Thông cáo của viện Hàn lâm Oslo đề ngày 4-3-2013 cho biết lần đầu tiên có tới 259 ứng viên được đề nghị tranh giải thưởng Nobel Hoà bình. Đây là con số kỷ lục. Trong số 259 ứng viên này, có đến 209 cá nhân, phần còn lại là 50 tổ chức được đề nghị tranh giải Nobel Hoà bình 2013.
Theo lời ông Geir Lundestad, Giám đốc Viện Nobel, ngày càng có nhiều ứng viên được đề nghị và điều đó phản ánh tầm mức quan trọng của giải thưởng Nobel Hoà bình. Năm 2011, lần đầu tiên đã có tới 241 cá nhân hoặc tổ chức được đề cử. Nhưng số ứng viên trong danh sách năm nay còn vượt xa kỷ lục của năm 2011.
Trên nguyên tắc, danh tính các nhân vật hoặc tổ chức được đề nghị trao giải được giữ kín trong vòng 50 năm. Nhưng được biết là trong số những người được đề cử để tranh giải Nobel Hoà bình 2013 gồm có tổng thống Myanma Thein Sein, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Bác sĩ Denis Mukwege người Congo để vinh danh những nỗ lực của ông bảo vệ những phụ nữ bị xâm hại tình dục...
Một trong những gương mặt được đề cử gây chú ý là Malala Yousafzai, một thiếu nữ người Pakistan 15 tuổi, biểu tượng của phong trào chống Taliban. Tên tuổi cô gái này được biết tới sau khi cô bị một phần tử Taliban bắn một viên đạn vào đầu hồi tháng 10-2012.
Malala Yousafzai được coi là biểu tượng của những nhà đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, vì quyền được cắp sách đến trường, vì tuổi trẻ, và cô cũng là biểu tượng của những những người dám chống lại các phần tử cực đoan.
Theo một nhà quan sát thì Yousafzai hiện đang giành được nhiều cảm tình của các nhà bảo vệ nhân quyền, nhưng do cô còn quá trẻ và tuổi tác có thể là một trở ngại trên con đường đưa cô gái người Pakistan này đến Oslo.
AFP nhắc lại trong quá khứ, sự chọn lựa của Uỷ ban Nobel đã nhiều lần gây tranh cãi, chắng hạn như vào năm ngoái, khi Nobel Hoà bình 2012 được trao tặng cho Liên Hiệp Châu Âu, hay là giải thưởng cao quý này đã từng được trao về tay Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào năm 2009 vài tháng sau khi ông bước vào Nhà Trắng vào thời điểm nước Mỹ còn đang phải đương đầu với hai cuộc chiến Irak và Afghanistan.