Philippines đã đưa tranh chấp chủ quyền tại biển Đông với Trung Quốc ra Toà án Liên Hiệp Quốc, theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vào hôm nay, 22-1.
“Philippines đã tận dụng gần như toàn bộ mọi con đường chính trị và ngoại giao để đạt được một thoả thuận thương lượng hoà bình trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các vụ phân xử sẽ mang lại giải pháp lâu bền cho tranh chấp này”, theo hãng AFP trích phát biểu của ông del Rosario trong cuộc họp báo.
Ông del Rosario nói Manila đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh đến để thông báo về quyết định đưa Trung Quốc ra Toà án Quốc tế về Luật Biển, vốn được thành lập dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả hai nước đều ký kết.
Đây là một động thái mang tính bước ngoặt của Philippines trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vốn luôn đòi hỏi giải quyết song phương các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và chống lại việc đưa tranh chấp ra phân xử tại Toà án Quốc tế.
Trong đơn đệ trình lên toà án, Philippines nói cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc (đường lưỡi bò) tại Biển Đông là phi pháp, theo ông del Rosario.
Thông báo cho biết Philippines muốn Toà án Quốc tế tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là phi lý.
Manila cũng yêu cầu Trung Quốc “ngưng những hoạt động phi pháp vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS 1982”, theo ông del Rosario.
Philippines khẳng định lập trường của Trung Quốc đã dẫn đến cuộc đối đầu giữa hai nước tại bãi cạn Scarborough vào tháng 4-2012.
“Từ năm 1995, Philippines đã nhiều lần trao đổi quan điểm với Trung Quốc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cho đến tận hôm nay, vẫn chưa có bóng dáng của một giải pháp”, ông del Rosario nói.
Trên Biển Đông có các nước tuyên bố chủ quyền đang chồng lấn là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia và Brunei.