EMTY (Radio Vatican, 6-3-2013) - Lúc 17 giờ ngày 6-3, các hồng y có quyền bầu cử hay không đều được triệu tập để tham dự giờ cầu nguyện cho Giáo Hội tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. ĐHY Angelo Comastri, Tổng Phụ trách Vương cung Thánh đường chủ toạ buổi cử hành mà các tín hữu cũng có thể đến tham dự.
Trong ngày thứ ba của Tổng Công nghị, các hồng y dường như lại đặt trọng tâm vào việc cầu nguyện và suy nghĩ. Dường như các ngài có một khoảng cách nào đó với bầu khí sôi động do sự hiện diện của hàng ngàn nhà báo tại Rôma. Có khoảng hơn 5.000 ký giả đại diện cho 1.400 tờ báo, đài phát thanh, cơ quan thông tấn hay đài truyền hình.
Vào hôm thứ hai và thứ ba, các hồng y Bắc Mỹ đã có 2 cuộc họp báo tại Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ. Vào hôm thứ tư cũng dự định mở một cuộc họp báo khác, nhưng cuối cùng, trước đó một giờ, đã thông báo huỷ. Trong một thông báo, phát ngôn viên của các Giám mục Mỹ cắt nghĩa rằng sở dĩ có quyết định này là do những mối bận tâm nảy sinh trong phiên họp thứ tư vào sáng thứ tư 6-3. Để phòng ngừa, các Giám mục Mỹ cũng quyết định không cho báo chí phỏng vấn nữa.
Truyền thống về Mật nghị - sự dè dặt
Trong cuộc họp báo vào trưa thứ tư 6-3, khi được hỏi về vấn đề này, Cha Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh trước tiên đã cắt nghĩa rằng con đường dẫn Hồng y đoàn đến Mật nghị là “một tình hình đặc biệt”. “Đây không phải là một thượng hội đồng hay một đại hội mà người ta tìm cách cung cấp đủ mọi thông tin cho các cuộc họp báo”.
Cha nói thêm rằng “con đường này cần phải có một sự tôn trọng nào đó đối với những người tham dự, họ phải có một quyết định theo lương tâm” về một trong những thành viên của Hồng y đoàn. “Do đó, truyền thống của Mật nghị là truyền thống của sự dè dặt” để cho các hồng y có “nhiều tự do và độc lập hơn để quyết định”. Để có thể dễ dàng tôn trọng các hồng y là những người được mời gọi phải có một sự chọn lựa mang tính quyết định, mỗi ngày đều có một cuộc họp báo “tổng hợp” nhất trí với các hồng y và vị Niên trưởng Hồng y đoàn”.
Chỉ có các hồng y mới biết được phải dùng con đường nào để tiến đến việc bầu Giáo hoàng
Còn về quyết định của các hồng y Mỹ có tổ chức hay không tổ chức cuộc họp báo, Cha Lombardi cho rằng ngài không có “một chỉ dẫn nào cho các hồng y về thái độ phải có đối với báo chí”. Điều này phải được nói đến trong các Tổng Công nghị. “Chỉ có các hồng y mới biết được mình phải dùng con đường nào để tiến đến việc bầu cử Giáo hoàng”. Do đó - Cha Lombardi cắt nghĩa - “điều này không làm tôi ngạc nhiên khi thấy có nhiều giai đoạn khác nhau” trên suốt con đường dài này. “Lúc đầu, người ta cởi mở với nhau, người ta chia sẻ về thời gian người ta sống, nhưng dần dà, dựa theo những quyết định của Hồng y đoàn, người ta cùng nhau tiến đến cách thế người ta dùng để thông tin”.
Một ký giả đặt câu hỏi: Sự đòi hỏi thông tin này chỉ thuộc về những người Mỹ thôi sao? Không đưa ra một cắt nghĩa nào có tính quả quyết, Giám đốc Văn phòng Báo chí Toà Thánh giả thiết rằng nếu các hồng y Mỹ đã tổ chức các buổi họp báo thì chắc là vì họ “đông hơn”, vì họ có “một tổ chức tốt trong mối tương giao với báo chí, và vì các phương tiện truyền thông Mỹ đến Rôma rất đông, có rất là nhiều người”. “Tôi không ngạc nhiên trước việc các giám mục Mỹ muốn thông tin cho các phương tiện truyền thông khác nhau”, Cha Lombardi kết luận.
Những các hội đồng giám mục khác không tổ chức các họp báo, có lẽ bởi vì họ “ít người hơn, ít có tổ chức hơn hay vì họ không nghĩ đến điều đó”, Cha Lombardi cho là như thế. Không có cuộc họp báo của các giám mục Đức hay Ý. “Mỗi vị có thể trình bày những nhận xét của mình”.
Tất cả các hồng y đều “đồng trách nhiệm” về việc chọn con đường để đi đến Mật nghị
Nhưng Cha Lombardi nhắc lại và nhấn mạnh rằng “các hồng y là một tập thể” và “tất cả các ngài đều đồng trách nhiệm về con đường suy xét của Hồng y đoàn mà các ngài là thành viên. Tiếp đến, mỗi vị lượng giá để xem cách nào là tốt đẹp nhất để tiến bước trên con đường này, nhưng ta thấy các ngài ngày càng hướng về suy nghĩ, cầu nguyện và cẩn mật hơn trên con đường dẫn đến Mật nghị, nơi phải giữ bí mật tuyệt đối”.