|
Nó trong mắt tôi
Nó và tôi là bạn thân. Rất thân. Chúng tôi chơi chung với nhau đã lâu lắm, từ khi chưa lọt lòng mẹ nữa cơ. Ở mức độ nào đó, có thể nói chúng tôi là chị em song sinh cũng được, và còn hơn thế nữa. Thật không ngoa khi nói tôi là người hiểu nó nhiều nhất, nếu không nói là hiểu hết. Vì vậy, để thực hiện một “cuốn phim” về cuộc đời nó đối với tôi không khó, mặc dù cho đến lúc này nó và tôi chỉ mới đi được “phân nửa cuộc đời”. Tuy nhiên, với một “đạo diễn nghiệp dư”, xoàng xĩnh như tôi, chất lượng kỹ thuật của “Nó trong mắt tôi” dù chưa được tốt, tôi cũng không ngại giới thiệu nó với quý bạn. “Cây nhà lá vườn” mà!
Miền Nam giải phóng chưa được bao lâu, nó ra đời. Mẹ nó kể lại. Lúc đó gia đình nó nghèo lắm. Nhà lại đến 8 miệng ăn. Hằng ngày mẹ nó đi làm từ rất sớm, giao nó lại cho các anh chăm sóc. Mỗi lúc nó đói gào khóc, các anh nó thường cho nó uống nước lã cầm hơi thay vì sữa hay cháo (có lẽ vì vậy mà nó bé con như các bạn thấy). Năm đói 1979, em út nó ra đời. Gia đình nó lại thêm những cái cực. Nhưng chính điều đó lại ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và cuộc sống của nó sau này. Nó tự nhủ với lòng mình là phải sống sao cho xứng đáng với sự yêu thương, hy sinh, chịu khó, hết lòng vì con cái của ba mẹ. Đó là thứ tài sản duy nhất và quý giá nhất mà ba mẹ nó để lại.
Tuổi thơ của nó không được sung sướng và đầy đủ. Nhưng không vì thế mà nó mặc cảm hay buồn phiền. Trái lại, nó là người rất năng động và nghịch ngợm. Nó thích khám phá thế giới xung quanh, thích tưởng tượng đến nỗi có lúc khoái chí cười khanh khách một mình. Trèo cây thì khỏi nói, từ cây cau, cây dừa… cho đến cây vú sữa nó đều chơi tuốt. Nhớ có lần trèo cau đua, giữa chừng cái dây bị đứt, nó bị tụt xuống, người cọ xát vào thân cau làm trầy xước mảng da nơi ngực, rướm máu, đau rát, nhưng nó không khóc vì sợ mẹ mắng (dám làm dám chịu mà!). Lần khác, nó rơi từ cây đào xuống, đụng phải hàng rào kẽm làm chân bị móc một miếng rõ to, mỡ lòi ra trắng ởn. Sợ mẹ đánh, chị nó và nó quyết định giấu mẹ. Đến khi mẹ nó phát hiện thì vết thương đã nhiễm trùng. Chị nó bị một trận đòn tơi bời. Còn nó tưởng đã phải cưa chân rồi chứ. Tởn đến già. Rồi lần khác, khi đang thoăn thoắt chuyền từ cành này sang cành khác trên cây vú sữa như một chú khỉ con, nó bị trật tay, rơi xuống mái tôn như một trái mít rụng làm cả nhà một phen hú vía. Nó nhớ có lần mẹ nó xém… ngất xỉu khi đang cho heo ăn thì có một cái chân xuyên mái tranh thọc xuống ngay trước mặt. Hoàn hồn tỉnh lại mới phát hiện nó đang trèo hái bình bát trên mái chuồng heo, bất cẩn giẫm phải mảng tranh mục… Nhưng tất cả những trò đó chưa có gì phải ấm ĩ. Chuyện “thiến chó” bằng dây thun của nó mới “vô tiền khoáng hậu”, đáng ghi vào Guiness cơ. Xin mở ngoặc ở đây một tí, cái chuyện “chiến chó” này không phải vì nó có ác cảm gì với “chú cẩu” trong nhà, nhưng vì cái mã “bảnh trai”, “galăng”… của chú khi “lấy lòng” các “cô cẩu” hàng xóm, khiến các “chú cẩu” bạn ganh tị, nhiều lần hè nhau “dần” chú đến mẻ đầu sứt trán, có hôm còn què cả giò nữa. Sở dĩ nó làm thế chỉ vì sự an toàn của “chú cẩu” nhà nó mà thôi. Khi thấy con chó đau đớn mà không hiệu quả, chị nó và nó mới nghĩ cách “giải thoát”... Tôi không cần nói ra chắc bạn cũng hiểu. Có điều bạn nghe xong rồi thì làm ơn giữ kín giúp tôi, bởi điều bí mật này nó chẳng bao giờ cho phép tôi nói ra. Kết quả, con chó bỏ đi mất mấy ngày. Mấy ngày đó nó cũng ăn không ngon, ngủ không yên vì mẹ nó giận quá, lại còn phán một câu xanh rờn: “Nó (con chó) mà không về nhà thì 2 đứa (chị nó và nó) phải thế mạng”. Nó phải chạy ra đồng “năn nỉ” đến “sùi bọt mép” con chó mới chịu về nhà. Nó nổi tiếng thương chó mèo, điều đó trong nhà ai cũng biết, không thái quá nhưng đủ để “hai bên hiểu nhau”. Nhớ một lần, nó đi mua thuốc cho con chó bị ốm. Sau một hồi tả bệnh trạng, nào là ho, sổ mũi..., nó đang nghĩ không biết con chó có nhức đầu không, thì anh bán thuốc hỏi: “Là người lớn hay con nít vậy em?” Nó cười gượng gạo: “Dạ, dạ... là con chó ạ!”. Anh ta trợn mắt: “Trời đất. Con chó thì nói con chó ngay từ đầu đi, để người ta khỏi mất công”. (Cái tính tinh nghịch pha lẫn chút hài hước đã theo nó đến tận bây giờ). Nhưng đó là chó nhà nó, chứ chó hàng xóm thì đối với nó là kẻ thù. Kẻ thù thứ hai của nó là con rắn. Cố gắng cách mấy nó cũng không thể nào có cảm tình với loài “mãng xà” tinh xảo kia, dù chúng có được vẽ rất đẹp trong sách chăng nữa.
Nó cũng nổi tiếng “dũng cảm”. Yếu xìu mà thích ra oai! Các bạn nó hồi xưa sợ nó lắm cơ. Cũng chính vì vậy, nó không bao giờ dám đánh nhau vì sợ… mình thua, sợ cái oai của nó không còn. Riêng cái khoản làm “cận vệ” cho nhỏ em họ trong vai trò giữ dép mỗi lần nó đánh nhau cũng đủ oai rồi. Vì nó (cô em họ) đánh nhau lúc nào cũng thắng. Mà thua thì có hề gì, “đào vi thượng sách” mà. Chắc do kinh nghiệm những lần tẩu thoát như vậy, nó nổi tiếng giỏi về marathon. Nhất xóm thì đã hẳn. Nhất lớp, nhất trường mới ghê. Còn nhất “tỉnh” thì chưa biết vì nó chưa bao giờ đi thi.
Nó có bạn thân từ rất sớm. Ngay từ năm lớp một. Nó vào học muộn hơn các bạn nó những mấy tháng. Nhớ ngày đầu đến trường, đang đi trên hành lang, có ai đó chạy từ hướng ngược lại đâm sầm vào nó làm bể mất cái bảng nhựa mẹ mới mua. Nó khóc toáng lên. Sau đó, nó nhận ra có một cậu nhóc (mấy tiếng đồng hồ sau nó mới biết là cậu ta học cùng lớp với nó) đang nhặt giúp nó mấy thứ vừa rớt vung vãi dưới đất. Cậu ta dỗ dành nó cứ như một người anh. Thế là thành bạn thân. Nó học không xuất sắc gì nhưng cũng không thuộc hạng xoàng, đủ để mỗi năm rinh một phần thưởng không lấy gì là cao lắm. Gì chứ việc học thì nó có quyết tâm rất cao. Ngay từ lớp một, nó đã đặt ra cho mình mục tiêu phải phấn đấu là đạt phần thưởng cuối năm, vì có vậy mới được món quà của mẹ là cái nón xếp của Liên Xô thời bấy giờ. Nếu hỏi hồi nhỏ nó sợ gì nhất thì nó có thể trả lời ngay rằng nó sợ nhất là bị cho nghỉ học. Biết được “điểm yếu” này của nó mà mẹ nó mỗi lần muốn doạ nó chỉ cần nói “cho nghỉ học” là hiệu nghiệm liền.
Dù tuổi thơ năng động và nghịch ngợm là thế, nó sớm có suy nghĩ tự lập, sớm có lòng trắc ẩn, sống “nội tâm”, không biết nói như thế có quá lời cho một đứa bé như nó lúc đó hay không, nhưng đó là sự thật. Những sự việc, con người xung quanh, cái gì cũng khiến nó suy nghĩ. Điều này làm nó không vô tư như những đứa trẻ cùng tuổi và “đạo mạo” như một “bà cụ non”. Cho khách trọ nhà là một việc nó thường làm mà không cần sự đồng ý của ba mẹ (vì lúc đó có ai ở nhà đâu mà xin). Điều gì tự giải quyết được là nó tự giải quyết, chứ không làm phiền, mè nheo, hay vòi vĩnh như những đứa bạn của nó thường làm với ba mẹ chúng. Từ khi biết đọc, nó được “phân công” đọc thư cho mẹ khi các anh đi xa gửi thư về. Trong những lá thư của anh nó từ chiến trường Campuchia, nó còn biết lược bỏ những đoạn đau thương không cần thiết vốn làm mẹ nó xót mà khóc sưng cả mắt.
Nó sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Ba mẹ nó thất học, địa vị xã hội không có. Ba nó chỉ biết đọc, nhưng phải đánh vần to như những đứa bé mới tập đọc, còn viết thì chữ nguệch ngoạc và to cứ y như... con gà mái. Mẹ nó thì một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nhưng anh em nó chưa một lần dám xem thường ba mẹ. Ba mẹ nó nơi là hội tụ của những cái không, nhưng từ những cái không đó mà anh em nó được sinh ra, lớn lên, được yêu thương, được học hành... và trưởng thành. Điều này còn gì quý bằng. Nhớ có lần anh Hai nó nói: “Ba mẹ mình không bằng ai nhưng lại rất hơn người”. Lúc đó, thú thật, nó không hiểu hết những lời nghe có vẻ “tréo ngoe” này, nhưng càng lớn nó càng thấy câu nói có ý nghĩa. Nó tự nhủ với lòng là không bao giờ được sống hời hợt. “Nhân vô thập toàn”, nó biết mình chẳng có thể trở thành một con người hoàn hảo đúng nghĩa. Nhưng nó quyết tâm phải sống tốt và cố gắng mỗi ngày. Tôi kể ra đây một vài cố gắng nho nhỏ của nó. Một lần mẹ nó sai đi mua đồ, chị bán hàng thối dư cho nó một số tiền. Nó cầm về và không có ý định hoàn trả lại với lời biện minh “mình có ăn trộm đâu mà sợ”. Nó chiến đấu với cái tính tham lam trong con người mình. Cuối cùng thì nó quyết định đem trả lại và được chị bán hàng gặp ai cũng khen sự trung thực của nó. Lần khác, nó sửa bài kiểm tra để được điểm cao hơn với ý nghĩ “làm sao thầy biết được”, nhưng cuối cùng áy náy quá, nó đành thú nhận với thầy. Thế là nhẹ nhõm. Nó cảm nhận mỗi lần sửa được một tật xấu là mỗi lần nó thấy tâm hồn thoải mái lạ. Kết quả của sự cố gắng của nó không tồi. Bằng chứng là mọi người trong gia đình yêu thương nó, hàng xóm thì trầm trồ: “Anh em chúng nó học giỏi thật”. Thầy cô và bạn bè ở trường hầu hết đều quý nó.
Nó chơi và nói chuyện được với tất cả mọi người, từ người già, lớn tuổi, cùng lứa đến những đứa con nít; từ người giàu sang đến những người nghèo. Mấy bà già trưa nào cũng qua nhà nhờ nó nhổ tóc ngứa, tóc bạc. Mấy đứa cháu và con nít trong xóm thì tôn nó làm “thủ lĩnh”. Nó quý và tôn trọng tình bạn. Nó có nhiều bạn thân. “Đã là bạn thân thì phải cởi mở, trung thực, thẳng thắn và không bao giờ được khách sáo” - nó quan niệm thế. Nó sớm trở thành một người “bị nghe chuyện” của người khác, và không biết tự lúc nào, nó trở thành người thường xuyên lắng nghe, chia sẻ và hoà giải cho nhiều người. Có lẽ cũng từ lúc này, nó có ước mơ trở thành nhà nghiên cứu tâm lý, nhất là tâm lý trẻ em hay trở thành nhà tư vấn tâm lý gì gì đó cũng được. Nó đặt ra cho mình một phương châm trong mối quan hệ với người khác là phải tạo nơi người khác một sự tin tưởng và không bao giờ được làm mất niềm tin nơi họ. Về khoản này, mẹ nó hoàn toàn yên tâm về nó. Nó muốn đi đâu thì chỉ cần thông báo một tiếng là mẹ nó OK liền. Không như chị nó, đi đâu là mẹ nó lại lo đứng lo ngồi.
Tốt nghiệp PTTH xong, nó khăn gói vào thành phố thi đại học. Nhưng lúc này, có một vài sự kiện làm nó thay đổi quyết định của mình và chọn cho mình một con đường, một lý tưởng khác không ngoài mong ước muốn hoàn thiện chính mình và giúp ích cho người khác. Dù xa nhà, nó vẫn là người ảnh hưởng nhiều đến gia đình và còn là người trung gian nối kết sự hợp nhất và hoà giải giữa các anh chị em. Ý kiến của nó rất được coi trọng mặc dù nó là người gần như bé nhất trong nhà.
Nó vào đại học muộn. Và việc học ngành Báo chí đối với nó là một sự tình cờ, một ngành học vốn rất hợp với cái tính năng động và nhanh nhẹn của nó. Học chung với một lớp toàn “dân giỏi thứ thiệt”, nó phải cố gắng nhiều. Ở môi trường này, nó cũng được các thành viên trong lớp yêu quý, mến mộ, đôi khi đóng vai trò là một nhà “tư vấn tâm lý bất đắc dĩ”. Cũng vui. Với sự tự tin, vui vẻ, cởi mở và hoà đồng, nó muốn được gần gũi và giúp ích cho những ai cần sự giúp đỡ của nó. Giờ thì nó đang ngồi đó và nhìn lại chặng đường của mình. Những sự cố gắng của nó dù sao cũng mới chỉ là ở bước khởi đầu. Nó phải cố gắng nữa. Cố gắng hoài. Cố gắng mãi… Học để làm một người tốt thật không dễ chút nào. Nhưng nó đồng ý với lời của ai đó, là “chẳng bao giờ trễ cả” để làm một người tốt trong cuộc đời.
|