Thế nào là một phụ nữ ‘có tất cả’?
“Có tất cả” - sự nghiệp, mái ấm gia đình, con cái, thành đạt, hạnh phúc, là mơ ước của nhiều phụ nữ. Nhưng muốn đạt được không phải là điều dễ.
Nhưng mấy ai trong phụ nữ chúng ta đạt được hết những điều ấy? Và trong nỗ lực để đạt được tất cả những mục đích đó, phụ nữ phải đã phải đánh đổi những gì?
Nhiều phụ nữ cảm thấy mình “chóng già” khi liên tục phải đánh vật với việc nhà và việc công sở, cả hai công việc cùng đòi hỏi nhiều thì giờ trong quỹ thời gian eo hẹp. Một số phụ nữ khác than rằng bị ở trong tình trạng “thiếu ngủ triền miên,” vì chỉ có cách bớt ngủ mới có đủ thì giờ lo chu toàn hết công việc. Lại có phụ nữ thì hy sinh cho mục đích “có tất cả” bằng cách lơ là với chính bản thân, và cũng không còn tí thì giờ nào để giao tế hay nuôi dưỡng những tình thân đã có từ ngày chưa yên bề gia thất.
Nhưng cũng không hiếm phụ nữ cho rằng mình “có tất cả”.
Câu hỏi được đặt ra là để có được sự nghiệp, mái ấm gia đình, con cái, thành đạt, và cả hạnh phúc, bí quyết của loại phụ nữ “siêu đẳng” này là gì, và quan trọng hơn cả, “có tất cả” thật ra có phải là một mục tiêu thực tế cho phụ nữ hay không?
Ðể trả lời những câu hỏi trên, website About.com đã thực hiện một cuộc phỏng vấn qua mạng, và công bố một số ý kiến tiêu biểu dưới đây:
Bà Samantha Johnson, 50 tuổi, một nhà tâm lý học, hiện giờ vẫn độc thân vì muốn dành hết thì giờ cho nghề nghiệp, tâm sự rằng mẹ của bà, năm nay 72 tuổi, tỏ ra “thất vọng về hướng đi” của bà (kết hôn trễ, không chịu có con) và cho rằng người em gái của bà là Katie Greenwood, một bác sĩ gia đình, đã có những chọn lựa đúng hơn, và đã có tất cả.
Theo lời bà Johnson thì em gái bà rất chăm chỉ hồi còn đi học đại học, tốt nghiệp xong vào y khoa, gặp người chồng tương lai ở đây, có 2 con lúc mới 32 tuổi, và tạo dựng một sự nghiệp vững vàng trong ngành y.
“Mẹ tôi ngưỡng mộ Katie lắm, nhưng tôi thấy cô ấy lúc nào cũng mệt đến hụt hơi!” Bà Johnson viết. “Còn tôi thì biết sức mình có hạn, nên chỉ chọn một, và thật ra cũng vui, nhưng đôi khi những phê bình của mẹ cũng làm mình chạnh lòng” - Bà tâm sự.
Bà Greenwood, cũng vào tham dự cuộc phỏng vấn trên mạng của About.com, cho biết: “Tôi không ân hận vì lựa chọn của mình, nhưng thú thật là mệt mỏi lắm, lúc nào cũng thèm ngủ kinh khủng”. Bà Greenwood thú nhận là “không phải là mọi việc tôi làm đều tốt nhất”, và bật mí rằng nhiều năm qua đã đặt việc săn sóc con cái “cao hơn sự nghiệp” nhưng cho biết là hiện giờ các con lớn hết, tổ ấm bắt đầu vắng đi rồi thì “sẽ để tâm đến công việc nhiều hơn”.
Phải chọn lựa ưu tiên
“Tôi sẽ không bao giờ là vị bác sĩ nổi tiếng với những phát minh kỳ diệu!” - Bà Greenwood tuyên bố. Vì bất kể chuyện gì xảy ra, thì với bà, gia đình vẫn quan trọng nhất.
“Tôi luôn luôn thu xếp thời giờ để có thể tham dự mọi sinh hoạt của con ở trường, thể thao, cắm trại, piano recitals, parent teacher conference với các giáo viên, chở con đi bác sĩ, đưa con đi thăm trường đại học...” - Bà nói.
Bà giải thích thêm: “Sau gia đình thì mới đến bệnh nhân và phòng mạch. Thú thật hiện giờ phòng mạch tôi không đông khách như xưa, vì tôi hơi bỏ bê công việc. Nhưng biết làm sao bây giờ. Tôi dự định là khi con lớn hơn sẽ dành nhiều thời giờ hơn cho công việc”.
Cũng theo thổ lộ của bà, thì ngoài gia đình, công việc, bà Greenwood mới lo cho bản thân.
Phải mất mới được
Ðể đạt được tất cả, bà Greenwood không có nhiều thời giờ để tập thể dục thường xuyên, nên “cố ăn uống lành mạnh”. Bà cũng cố gắng ăn mặc cho tươm tất, nhưng sẽ không bao giờ là người đàn bà ăn mặc đúng mốt nhất hay thanh lịch nhất.
“Sau khi chọn lựa ưu tiên, phải biết can đảm bỏ những gì mình không kham được!” - Bà Greenwood nhận định.
Chẳng hạn, bà cho biết là nhà bà cũng sạch sẽ và ấm cúng, nhưng “chắc chắn không là một căn nhà kiểu mẫu”. Bà còn cho biết là đã hoàn toàn buông rơi ý định thành một đầu bếp tuyệt vời, và bỏ những dự án chăm sóc cho khu vườn xinh xắn của mình.
Cũng có lúc bà cảm thấy buồn vì phải gạt đi vài sở thích của mình, nhưng dần dà khi nhận ra “không thể ôm đồm tất cả” mọi việc, và phải biết tự hạn chế những đòi hỏi của chính mình. Hiện giờ bà có ít bạn hơn, vì ít thời giờ hơn, nhưng để bù lại, bà bỏ thời giờ chăm sóc những tình thân với những người thật sự hiểu mình.
Bài học rút tỉa
Ða số những phụ nữ trả lời phỏng vấn của trang mạng About.com tự nhận là mình “có tất cả” đều phát biểu rằng muốn thế phải biết “bớt cầu toàn” đi, và không đòi hỏi chính mình phải làm việc gì cũng đạt được tiêu chuẩn cao nhất mới được.
Bà Tracy Woods viết: “Tôi thấy nhiều phụ nữ được cho là thành công lúc nào cũng tất bật, ở sở thì muốn lên chức cao nhất, về nhà là người mẹ hoàn hảo nhất, với chồng thì lúc nào trông cũng đẹp như người mẫu, với xã hội thì tham gia nhiều tổ chức từ thiện...”.
“Rồi đùng một cái thấy họ ly dị, chồng ngoại tình...” - Bà Woods phát biểu thêm. “Tôi cho rằng chìa khoá của việc đạt được tất cả là phải cho phép mình là một người bình thường, và cười được trên những vụng về, khiếm khuyết của chính mình”.
Theo kinh nghiệm của bà Nancy Simons thì “chừng mực là bí quyết để có tất cả”, vì theo bà, “có tất cả có nghĩa là cảm thấy vừa lòng với những gì mình có”, về mọi phương diện, và chỉ đạt được tới đó là đủ rồi.
Tuỳ theo định nghĩa
Một góp ý khác khá sâu sắc do bà Clair Snyders, một người tự xưng mình chỉ là một bà nội trợ.
Bà Snyders kể: “Tôi lập gia đình sớm và đã có con trước khi học làm vợ. Thoạt đầu vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải đi làm phụ cho kinh tế gia đình, nhưng sau này khi chồng có lương cao hơn tôi được ở nhà lo cho gia đình”.
“Chúng tôi quyết định ở thuê thay vì mua nhà để cả hai cùng có nhiều thì giờ hơn cho con cái và cho nhau”. “Mãi đến khi đứa con lớn 7 tuổi, và cháu nhỏ được 3 tuổi, chúng tôi mới mua nhà”.
Bà Snyders kể là bạn bè của bà đa số có sự nghiệp, và đôi khi họ hỏi bà rằng “ở nhà suốt ngày có chán không”, bà bảo chẳng thấy chán bao giờ cả, mà rất hạnh phúc là đàng khác. Còn gì vui hơn là được làm mẹ và làm vợ và có mái gia đình hạnh phúc.
Thật ra, “có tất cả” dường như là một mục tiêu nghe kêu mà trống rỗng nhất - Bà nhận định, rồi giải thích: “Chúng ta chỉ có một số thời gian nhất định, có sức khoẻ nhất định, và tài sản nhất định, vậy thì làm sao mà có tất cả?” Và tất cả là gì, theo định nghĩa của ai!?
Bà Snyders đặt câu hỏi, và tự trả lời: “Tôi không cần phải là một phụ nữ có sự nghiệp lẫy lừng, cũng không cần có cái nhà to nhất và những tiện nghi tối tân nhất”. Và bà Snyders bảo bạn bè rằng, theo định nghĩa của bà, bà thấy mình đã “có tất cả!”