NewsFeed   -
TIN TỨC - SỰ KIỆN > Giáo Hội Toàn Cầu
S  M  L
THẢM CẢNH CỦA TÍN HỮU CÔNG GIÁO BOSNIA ERZEGONVINA
(Cập nhật: 14/07/2011 - 17:46:22)
Thảm cảnh của tín hữu Công giáo Bosnia Erzegonvina

Trong các ngày này, Đức cha Franjo Komarica, Giám mục Banja Luka của Cộng hoà Serbia, đang viếng thăm Thuỵ Sĩ theo lời mời của tổ chức “Trợ giúp Giáo Hội đau khổ”.

Trong cuộc nói chuyện với các hãng thông tấn SIR và APIC, Đức Cha đã mạnh mẽ tố cáo cộng đồng quốc tế đã nhắm mắt làm ngơ trước các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng chống lại các tín hữu Công giáo Bosnia Erzegovina. Mười lăm năm đã trôi qua, kể từ khi chiến tranh cựu Yugoslavia chấm dứt, các tín hữu Công giáo vẫn chưa được phép hồi hương. Khước từ quyền có quê hương là một quyền căn bản như thế của con người là một tội phạm. Trong thời chiến tranh giữa các năm 1991-1995, 70.000 tín hữu Công giáo đã bị đuổi khỏi các làng mạc của họ, và ngày nay chỉ có khoảng 5.800 người đã có thể hồi hương.

Trong khi đó, trái lại, đã có hơn 250.000 người Hồi đã có thể trở về gia cư của họ. Đó là một bằng chứng cho thấy việc thanh lọc chủng tộc là một sự bất công được nhân nhượng. Việc trục xuất tín hữu Công giáo cũng đã được ông Valentin Inzko, người Áo, từ năm 2009 là đại diện đặc biệt của Liên hiệp Âu châu tại Bosnia Erzegovina, xác nhận. Ông cho biết tín hữu Công giáo rất khó mà tìm ra công ăn việc làm vì họ bị chính quyền kỳ thị. Nhưng khi nào chính quyền ổn định, ông sẽ đưa vấn đề ra thảo luận để bảo vệ quyền lợi của nhóm thiểu số Công giáo.

Kể từ khi có các cuộc bầu cử hồi tháng 10-2010, việc thành lập một chính quyền chung xem ra là điều không thực hiện được. Theo Đức Tổng Giám mục Alessandro D'Errico, Sứ thần Toà Thánh tại Bosnia Erzegovina, yếu tố định đoạt đối với tương lai của quốc gia này sẽ là việc cải thiện tình trạng xã hội. Cần phải đề ra các viễn tượng cụ thể, nhất là đối với giới trẻ, nếu không người trẻ sẽ tìm kiếm chúng ở nơi khác. Đức Sứ thần Toà Thánh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các “trường học Âu châu”, nơi có các người trẻ Hồi giáo và Kitô theo học và mạnh mẽ dấn thân cho sự hoà giải. Vào năm 2010, đã có 600.000 euros được đầu tư cho các dự án tái thiết Bosnia Erzegovina.

Như đã biết, trong trận chiến đẫm máu kèo dài từ năm 1992 đến 1995, người Serbia đã trục xuất các tín hữu Công giáo ra khỏi quê hương Bosnia Erzegovina, và cho tới nay họ vẫn chưa được phép hồi hương. Đức cha Franjo Komarica, Tổng Giám mục Banja Luka, than phiền rằng hiện nay số tín hữu Công giáo trong giáo phận chỉ có 7.000 người, tức là kém 1 phần 10 số tín hữu đã có trước khi xảy ra chiến tranh và các cuộc thanh lọc chủng tộc.

Đối với cộng đồng Công giáo, đây là một cuộc đấu tranh cho sự sống còn. Bosnia Erzegovina đã trở thành Cộng hoà Srpska và chính quyền đề nghị quốc hữu hoá tài sản, nhà cửa, đất đai của những người đã bị đuổi đi. Nghĩa là chính quyền muốn xoá bỏ sự hiện hữu và mọi ký ức của người Công giáo tại đây. Cũng chính vì thế mà họ đã tàn phá một cách có hệ thống các nhà thờ, các tu viện, bằng cách đặt mìn cho nổ và tàn phá bình địa. Đây là một chương trình có tính toán, và người Serbi cũng đã làm như thế đối với các đền thờ Hồi giáo.

Đức cha Komarica cho biết có 2 linh mục trong tổng giáo phận của ngài bị sát hại. Vị thứ nhất là Cha Tomislav Mantanovic, 33 tuổi, là Cha sở Prijedor. Cha bị cảnh sát Serbi bắt cùng với cha mẹ ngày 24-8-1995. Vào tháng 9-2001, người ta tìm thấy hài cốt của cả 3 người tay bị còng trong một cái giếng tại làng Biscani. Vị thứ hai là Cha Ratko Grgic, 48 tuổi, Cha sở Nova Topola. Cha bị lính Serbi bắt ngày 16-6-1992 và từ đó đến nay bị coi là mất tích. Mặc dù Đức cha Komarica đã nhiều lần yêu cầu chính quyền làm sáng tỏ nội vụ, nhưng chính quyền vẫn làm ngơ. Trong các năm chiến tranh, đã có 400 tín hữu Công giáo vùng Banja Luka bị giết.

Đức cha Komarica cho biết dư luận dân chúng hỏi người Croatia Công giáo làm gì trong Cộng hoà Srpska. Họ đã có nước Croatia rồi mà. Và chính quyền địa phương đã không làm gì cả để giúp các tín hữu Công giáo hồi hương. Trái lại, họ tìm mọi cách để ngăn cản việc hồi hương của tín hữu Công giáo. Chinh quyền trong thủ đô Sarajevo cũng không nhúc nhích, vì họ chỉ làm việc cho chủng tộc chiếm đa số là người Hồi. Đức Tổng Giám mục Banja Luka đã mạnh mẽ chỉ trích hiệp định Dayton. Nó đã khiến cho chiến tranh kết thúc nhưng đã do cộng đồng quốc tế áp đặt, và nhất là nó đã hợp thức hoá chính sách thanh lọc chủng tộc. Hậu qua là đa số trên tổng số 2,68 triệu dân di cư đã không thể trở về quê quán, mặc dù cộng đồng quốc tế đã đầu tư rất nhiều tiền.

Đức cha Komarica cũng cho biết thêm là khi ngài yêu cầu để cho người Croatia Bosnia hồi hương - vì họ là 1 trong 3 nhóm làm thành người dân của vùng Bosnia cùng với các người Bosnia theo Hồi giáo và người Serbi Bosnia - thì nhân viên Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc làm việc tại thủ độ Sarajevo cho rằng làm như thế là gây rối loạn. Nghĩa là người ta khước từ quyền được hồi hương của các tín hữu Công giáo Croatia Bosnia. Sau khi ký kết hiệp định Dayton, cộng đồng quốc tế cho rằng sự kiện người Công giáo bị trục xuất khỏi Bosnia Erzegovin là điều bình thường. Nhưng sự kiện này chứng minh cho thấy các nhà chính trị kỳ thị chủng tộc và có đầu óc phát xít.

Đức cha Komarica là người Croatia, gốc vùng Novakovivi, thuộc Tổng Giáo phận Banja Luka, lấy làm tiếc vì ngoài Toà Thánh Vatican ra, đã không có ai bênh vực quyền của các tín hữu Công giáo Bosnia.

Nếu đã có một thiểu số người di cư Bosnia và Serbia đã có thể trở về, thì họ chỉ trở về trong vùng có chủng tộc của họ sinh sống, chứ không ở trong vùng nơi họ là thiểu số. Các tín hữu Công giáo vì là thiểu số trong Cộng hoà Srpska, cũng như trong Liên bang Croatia Hồi giáo, nên bị các giới chức chính quyền của cả hai bên bỏ rơi. Đức Cha cũng cay đắng than phiền rằng cả các Giám muc Cộng hoà Croatia cũng bỏ rơi các con chiên của ngài là người gốc Croatia. Xem ra các vị e dè sợ hãi phải can thiệp cho người tị nạn. Tín hữu Công giáo Banja Luka cũng cảm thấy họ bị Âu châu và Hoa Kỳ bỏ rơi. Chỉ có 8% trợ giúp của chính quyền Croatia là tới tay các người tị nạn Croatia muốn hồi hương. Từ khi xảy ra chiến tranh và cuộc xuất hành cưỡng bức, tín hữu Công giáo Bosnia Erzegovina chỉ còn chưa đầy 10% tổng số dân, trong khi vào năm 1991 họ chiếm 17%. Người Sebia và người Hồi muốn chia nhau đất nước này và gạt bỏ người Croatia Công giáo ra ngoài, trong khi các người Croatia có thể nắm giữ một vai trò trung gian nòng cốt giữa hai thành phần kia.

Tuy nhiên, theo Đức cha Komarica, thời gian là kẻ thù đầu tiên của chương trình hồi hương. Lý do là vì các người tị nạn đã có cuộc sống yên ổn tại các nước ngoài như Croatia, tại các nước Tây Âu hoặc Bắc Mỹ hay Australia. Họ đã làm lại cuộc đời và không muốn hồi hương nữa sau 15 năm bị lưu vong. Hồi năm 1996, Giáo phận Banja Luka có danh sách 12.000 gia đình cho biết muốn hồi hương, nhưng các giới chức quốc tế làm việc tại thủ độ Sarajevo hỏi họ hồi hương làm gì, vì họ là các thành phần gây rối loạn.

Bản báo cáo của Uỷ ban Công lý và Hoà bình năm 2010 cho biết nếu tín hữu Croatia đã mất quy chế là thành phần của nước Bosnia Erzegovina và các quyền của họ trong Cộng hoà Srpska và Liên bang Croatia Hồi giáo, thì các quyền không thuộc 3 chủng tộc của đất nước lại còn ít ỏi hơn nữa.

Tám tháng sau các cuộc bầu cử, tình hình tại đây vẫn căng thẳng; các giới chức địa phương chưa thành lập đựơc chính phủ và tiến trình tư pháp bị sa lầy không có lối thoát. Vì thế, việc gia nhập Liên hiệp Âu châu và khối NATO, tức khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương, cũng vẫn còn giậm chân tại chỗ. Trong bản tường trình Uỷ ban Công lý và Hoà bình ghi nhận rằng các cuộc bầu cử năm 2010 vừa qua đã chứng minh cho thấy các đảng phái chính trị thuần tuý chủng tộc lai một lần nữa thống trị chính trường Bosnia Erzegovina, gây thiệt hại cho các đảng phái chủ trương quyền công dân bình đẳng cho mọi người. Bản tường trình đi tới kết luận rằng giai đoạn chuyển tiếp hướng tới một quốc gia dân chủ chỉ có thể đạt được không phải chỉ bằng cách thay đổi khung cảnh pháp lý do hiệp định Dayton áp đặt, mà còn bằng cách đưa ra một Hiến pháp mới bảo đảm quyền bình đẳng cho cả 3 nhóm dân và cho tất cả mọi công dân. Bởi vì hiện nay không có sắc dân nào được hưởng các quyền lợi công dân tại khắp nơi trong nước. Những gì mà Toà án Hiến pháp công bố hồi năm 2000 vẫn chỉ là các văn bản chết trên giấy. Người Croatia sống tại Bosnia Erzegovina từ thời Trung Cổ không thể bị coi là người di cư được, mà là thành phần kỳ cựu của đất nước này. Theo cuộc kiểm kê dân số năm 1991 tại Bosnia Erzegonvia, có 761.000 người Croatia sinh sống, đa số theo Công giáo, nghĩa là chiếm 17,3% tổng số dân. Họ tụ tập trong 3 vùng chính: dọc các thung lũng Bosna và Neretva, chung quanh 3 vùng Posavina ở mạn bắc, Bosnia miền trung giữa Travnik và Sarajevo, và trong vùng tây Erzegovina giữa Livno và Mostar. Hai nhóm chủng tộc khác là người Bosnia và người Serbia. Riêng tại Banja Luka, đã có 70.000 người Croatia Công giáo bị trục xuất trong các năm chiến tranh.

(SD 10-7-2011)


Linh Tiến Khải

Nguồn: RV

 
TIN - BÀI KHÁC   300 đề mục mới nhất:
  Bangladesh: Dự án “phương kế sinh nhai” mang lại kết quả
  Hoa Kỳ: Người đóng thuế cung cấp hằng năm cho 1/3 ngân quỹ tổ chức hỗ trợ phá thai | Mai Trang
  Đức Thánh Cha kêu gọi cồng đồng quốc tế cứu trợ các dân tộc vùng Sừng Phi châu | Linh Tiến Khải
  Vatican chào đón Cộng hoà Nam Sudan gia nhập Liên Hiệp Quốc | Mai Trang
  Tiếng thét của các dân tộc miền nam bán cầu | Linh Tiến Khải
  Tuyên ngôn của Toà Thánh về vụ truyền chức giám mục tại Sán Đầu, Trung Quốc | Linh Tiến Khải
  ĐGM. Romos của Tây Ban Nha mời gọi du khách trải nghiệm Thiên Đàng tại thế | Nghi Ân
  Pháp luật Ireland thay đổi có thể làm các linh mục bị tù | Hùng Nguyễn
  Tân Sứ thần Toà Thánh tại Philippines muốn xem xét việc lạm dụng nhân quyền
  Vụ truyền chức giám mục tại Sán Đầu gây đau đớn và lo âu cho Giáo Hội | Linh Tiến Khải
  Chủ tịch HĐGH Cor Unum: Hiệp thông với Giáo Hội trên nền tảng bác ái | Nghi Ân
  Nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng Đức Giáo hoàng Piô XII hỗ trợ người Do Thái | Hùng Nguyễn
  ĐHY Turkson nói về sự kiện tại Assisi: Tôn giáo chính là chìa khoá cho hoà bình | Nghi Ân
  Người Argentina tổ chức cuộc tuần hành bảo vệ sự sống bên ngoài toà nhà quốc hội | Mai Trang
  Hoa Kỳ: Thẩm phán bang Illinois ngăn chặn nỗ lực của tiểu bang nhằm cấm các tổ chức bác ái Công giáo nuôi dưỡng trẻ mồ côi | Hùng Nguyễn
  Tín hữu Công giáo Hồng Kông biểu tình phản đối các vụ truyền chức giám mục bất hợp pháp | Linh Tiến Khải
  Cơn sốt vàng và nạn tàn phá môi sinh tại Châu Mỹ Latinh | Linh Tiến Khải
  “Bước thụt lùi” trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Toà Thánh Vatican | PV
  ĐTC Bênêđictô XVI bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của Otto Von Habsburg | Nghi Ân
  Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng phát động chiến dịch truyền giáo tại các thành phố lớn | Linh Tiến Khải
  Nạn khai thác nông dân nô lệ tại Pakistan | Linh Tiến Khải
  Hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo tại Zimbabwe | Linh Tiến Khải
  Lãnh đạo Cor Unum: Người nghèo thiếu vắng Thiên Chúa hơn là thiếu thốn lương thực và áo quần | Nghi Ân
  Thế kỷ 21 là “thế kỷ của Chúa”!? | Nghi Ân
  ĐH Thánh Thể Atlanta: Những câu chuyện minh chứng đức tin lướt thắng mọi nghịch cảnh | Hùng Nguyễn
  ĐTC tiếp phái đoàn quốc tế thân nhân các con tin của nạn cướp biển | Linh Tiến Khải
  Trung Quốc: Giám mục thụ phong bí mật được trả tự do | Trầm Thiên Thu
  3 chữ “M” của đời sống linh mục | Nghi Ân
  ĐTC: Thiên Chúa tôn trọng sự tự do và không bắt buộc chúng ta tin nơi Người | Linh Tiến Khải
  Tân quốc gia Nam Sudan trước các thách đố tương lai | Linh Tiến Khải
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 [Tìm tên bài, tên tác giả, nội dung...]
NGHỆ THUẬT - PHIM - ẢNH

HÌNH ẢNH ĐẸP

Photo

Album: Cảnh Đẹp Việt Nam
< July 2011 >
Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat
26 27 28 29 30 1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30
31 1 2 3 4 5 6
More... (All Collections)
H2O NEWS

Everything Meaning To You!

Email: [email protected]

Website: emty.org

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@