Phóng viên UCANews từ Dhaka, Bangladesh
Đối với nhiều người ở Bangladesh, mỗi ngày một bữa cơm là điều mơ ước
Hơn 30% dân Bangladesh sống dưới mức nghèo khổ.
Nafew Ahmed, 8 tuổi, chưa bao giờ biết khi nào em sẽ có bữa ăn no nê tiếp theo.
"Hôm nay con không có ăn sáng và chúng con thường không ăn trưa" - em kể mới đây tại Ramna, khu nhà ổ chuột ở Dhaka, nơi gia đình em sống.
Bà Sultana, mẹ em, cố gắng kiếm đủ nuôi Nafew và con trai thứ hai của bà bằng cách đi làm công nhật ngày có ngày không và lượm ve chai.
"Tôi hạnh phúc khi có thể đem thức ăn về cho hai con vào cuối ngày. Nhưng không phải ngày nào cũng được vì thế có lúc chúng tôi phải nhịn đói" - bà nói.
Ở Bangladesh, ít nhất có một triệu người sống giống như gia đình Sultana, nghĩa là không có nguồn lương thực được bảo đảm. Quốc gia 150 triệu dân này chủ yếu tự túc về lương thực nhưng cảnh nghèo đói triền miên vẫn còn là vấn đề chính, theo tiến sĩ Rezaul Karim thuộc Vụ Kế hoạch và theo dõi lương thực của chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị ở Dhaka kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới trong tuần này, ông báo cáo đất trồng trọt giảm hơn 15% trong 40 năm qua do đô thị hoá nhanh, phát triển nhà ở và thương mại.
Nhưng có mặt lạc quan là "Chúng ta đã tăng sản lượng gạo lên gấp ba lần từ 10 triệu tấn (năm 1971) lên hơn 30 triệu như hiện nay" - ông nói.
Nhu cầu lúa mì là 4 triệu tấn 1 năm thế nhưng chỉ sản xuất được 1 triệu tấn. Số còn lại phải nhập khẩu.
"Chúng tôi nhận thấy nếu không kiểm soát dân số và nạn nghèo đói, thì không thể có an ninh lương thực" - Tiến sĩ Karim cảnh báo.
Mohsin Ali, Giám đốc Điều hành Quỹ NGO Wave chống nghèo đói, lưu ý 31,5% dân Bangladesh vẫn còn sống dưới mức sống tối thiểu.
"Chính sách và các hoạt động ở cấp công và tư đều không phục vụ nhu cầu của cộng đồng thuộc tầng lớp thấp nhất" - ông nói và khuyến cáo chính phủ đề ra hệ thống phân phối cho người nghèo nhất trong số người nghèo.
Trong khi Bangladesh nhắm giảm nghèo đói xuống còn 15% dân vào năm 2021, hầu hết các chuyên gia nói mất an ninh lương thực có thể gây đe doạ lớn hơn trong tương lai.
"Các nhà chức trách cần làm nhiều hơn để đảm bảo công ăn việc làm và kiểm soát giá lương thực" - Mohsin Ali đề nghị.
Trong khi nghèo đói không phải là vấn đề duy nhất của Bangladesh, mức độ làm giả lương thực cao - các công ty xử lý thịt, cá và rau bằng các hoá chất độc hại như formaldehyde - vốn đặc biệt nghiêm trọng ở đây.
Do đó, thách thức an ninh lương thực không chỉ là cung cấp đủ để ăn mà còn nói về lương thực tốt, theo Kazi Faruq, Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Bangladesh.
"Chính phủ cần trừng phạt nặng những kẻ làm giả lương thực để ngăn chặn mối nguy hiểm này" - ông nói.