ĐH Thánh Thể Atlanta: Những câu chuyện minh chứng đức tin lướt thắng mọi nghịch cảnh
TTCG (College Park, bang Georgia, 10-7-2011, CNA) - Một cựu mục sư Tin lành bị ám ảnh bởi việc Thiên Chúa hiện diện trong Thánh Thể. Dù không phải là người Công giáo nhưng đời sống đức tin Công giáo của một nữ tu thấp bé người Iraq được lớn lên giữa những người vô gia cư trong sự tàn phá của chiến tranh. Một linh mục khuyến khích người khác giải thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất và để cho ân sủng tuôn đổ vào cuộc sống. Và một cựu ca sĩ theo chủ nghĩa thế tục người Ireland bị mất niềm tin - và sự nghiệp - sau cuộc giải phẫu cuống họng khiến cô không thể ca hát trong nhiều năm.
Những câu chuyện này - được chia sẻ trong Đại hội Thánh Thể Atlanta 2011 bởi các diễn giả tại diễn đàn tiếng Anh: Tiến sĩ Paul Thigpen, Sr. Olga Dòng Thánh Thể, Lm. Robert Barron và ca sĩ Dana - thì rất khác nhau; nhưng tất cả đều có cùng một thông điệp: “mùa bội thu” của đức tin bắt đầu bằng một hạt giống nhỏ được gieo nơi khu vườn hoang dã của những thử thách và đau khổ trong cuộc sống.
“
Tôi trồng, Apollos tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên”, TS. Thigpen nói, trích dẫn thư Thánh Phaolô, khi ông trình bày về cuộc hành trình quanh co của riêng mình để gia nhập Công giáo. “Tất cả đều bắt đầu bằng việc gieo trồng và vun tưới”.
Dưới đây là một số trích dẫn chứng từ của các diễn giả
Sr. Olga, Dòng Thánh Thể
Trong khu vườn của nhân loại, Sr. Olga Yaqob chắc chắn là một trong những loài thảo mộc kiên trì nhất của Thiên Chúa, được đâm rễ trong mảnh đất hận thù, đức tin của sơ hiện nay đang đơm hoa kết trái tại một trong các dòng nữ Công giáo mới nhất của thế kỷ 21.
Là một phụ nữ Iraq thấp bé với chiều cao chỉ khoảng 1,45m (4ft.10in) - với chiếc áo dòng giản dị màu xanh - sơ tiến lên trước bục giảng trong Đại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc tế Georgia để kể cho cử toạ câu chuyện của mình: lớn lên trong một quốc gia bị chiến tranh tàn phá và sơ tự hỏi đất nước của mình đến khi nào mới được nhìn thấy hoà bình.
Có thể Sr. Olga đã được bảo vệ khỏi các cuộc tàn sát của chiến tranh nhờ sự giàu có của gia đình. Nhưng sơ đã không né tránh thực tế kể cả khi sơ chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh ngay từ lúc còn ở lứa tuổi thiếu niên. Sơ đã giúp tẩm liệm xác người chết do chiến tranh. Khi sơ lau rửa xác chết, nhìn những khuôn mặt bị biến dạng khủng khiếp của họ do vết thương gây ra, sơ đã khóc.
“Tôi cầu nguyện cho hoà bình mỗi ngày”, sơ kể. “Khi chứng kiến hết đám tang này đến đám tang khác, tôi nghĩ phải có cách nào đó để chấm dứt chiến tranh. Tôi nghĩ đây không phải thực sự là cách mà chúng ta đối xử với nhau. Chúa đã nói ‘bình an cho các con’... và những người Kitô hữu chúng ta có một trách nhiệm lên tiếng và rao giảng về hoà bình; tôi muốn trở thành một nhà truyền giáo của hoà bình”.
Sơ lớn lên trong Giáo hội Đông phương Assyria, một Giáo hội Kitô giáo cổ xưa, tách khỏi Giáo hội Công giáo vào năm 431, nhưng vào những năm 1990, Giáo hội này đã nối lại cuộc đối thoại đầy khả quan về mặt thần học với Rôma. Những hạt giống đức tin non trẻ của sơ - và sự mong muốn trở thành một nhà truyền giáo của hoà bình - đã được gieo trồng khi một gia đình Công giáo mời sơ tham dự thánh lễ và chỉ cho sơ cách lần hạt Mân Côi. Một lần khi đến viếng một nhà thờ Công giáo, sơ cũng đã học được về Đức Trinh Nữ Maria và vai trò của Người trong Giáo Hội. “Tôi nghĩ, còn ai có thể dạy cho tôi biết thêm việc gần gũi Thiên Chúa hơn Đức Maria” - Sr. Olga nói. “Ai có thể dạy tôi thêm về hoà bình hơn là chính Hoàng Tử Hoà Bình”, sơ nói về sự tăng trưởng đức tin Công giáo của mình.
Đức tin của sơ lớn dần mặc dù nghịch cảnh mà sơ phải đối mặt khi sơ chọn Giáo hội Công giáo và một lối sống độc thân, điều này làm sơ mất gia đình và ngôi nhà thờ thời thơ ấu của mình.
Bị gia đình từ bỏ vì đã trốn chạy một cuộc hôn nhân được sắp xếp trước, sơ sống giữa những người vô gia cư để giúp đỡ họ trong khi vẫn cố gắng bồi dưỡng đời sống đức tin cho riêng mình. Cuối cùng, lòng đạo đức và các việc làm tốt lành của sơ đã đến tai vị giám mục (thuộc Giáo hội Assyria) và sơ đã được ngài mời để thành lập Dòng nữ Assyrian vào năm 1995.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, Giáo hội Assyria từ chối sơ vì sơ vẫn tiếp tục thực hành đức tin Công giáo, cầu nguyện kinh Mân Côi và tham dự Thánh lễ hằng ngày. Với sự giúp đỡ của các linh mục dòng Tên, sơ đến Hoa Kỳ và học ở Boston. Nơi đây, trong khi học tiếng Anh, sơ bắt đầu giúp các sinh viên tại Đại học Boston khám phá đức tin của họ. Cuối cùng, sơ đã có thể gia nhập Giáo hội Công giáo và đã được Đức Tổng Giám mục Boston mời làm tuyên uý Công giáo tại trường đại học này. Hiện tại, Sr. Olga, thuộc Dòng Thánh Thể, lại được Đức Hồng y Sean O'Malley của Tổng Giáo phận Boston mời để thành lập một dòng nữ mới.
Bà Carolyn Webster, giáo dân thuộc Giáo xứ Thánh Anna, lần đầu tiên tham dự Đại hội Thánh Thể cùng với cô con gái 18 tuổi Grace, đã được đánh động bởi câu chuyện của Sr. Olga. Bà chia sẻ: “Tôi thấy rằng sự đau khổ đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta cần được biết về ơn gọi đích thực của mình”; rồi bà ngước lên với đôi mắt đẫm lệ. “Trong nhiều năm qua, Thiên Chúa đã đưa những người Công giáo tốt đến với cuộc sống của tôi, và tôi tham dự các nghi lễ tuần Phục Sinh. Năm ngoái, tôi đã chứng kiến một phụ nữ được rửa tội và thêm sức trong Giáo hội Công giáo, bà ấy rất vui mừng. Tôi biết mình cũng muốn được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể để cảm nghiệm được niềm vui đó”. Bà Carolyn Webster cùng với cô con gái đã gia nhập Giáo hội Công giáo hồi tháng 4 (lễ Phục Sinh) vừa qua.
Tiến sĩ Paul Thigpen
Sự khao khát Thánh Thể cũng được một diễn giả khác chia sẻ, đó là Tiến sĩ Paul Thigpen; cuộc hành trình đức tin của ông là việc rời khỏi Giáo hội Tin lành và từ bỏ một sự nghiệp thành công của một nhà truyền giáo Tin lành.
“Dù là một mục sư, tôi biết sức mạnh của Bí tích Thánh Thể - tôi vào một nhà thờ Công giáo và nhìn (Nhà Tạm) và biết có một sự hiện diện ở nơi đó. Tôi bị ám ảnh bởi sự hiện diện của Chúa”, TS. Thigpen nói - “Tôi muốn nói với bạn rằng những ơn gọi thực sự sống động trong Phép Thánh Thể, và tôi đã được kêu gọi gia nhập Giáo hội Công giáo của Chúa chúng ta”.
Sau nhiều năm làm việc với cương vị là một mục sư Tin lành, Thigpen trở thành một người Công giáo vào năm 1993. Ông là một tác giả viết nhiều và là nhà sử học Công giáo với học vị tiến sĩ xuất phát Đại học Emory, ông điều hành Trang mạng Quốc tế Trở Về Nhà (Coming Home Network International), một hoạt động tông đồ giúp các giáo sĩ ngoài Công giáo gia nhập Giáo hội Công giáo.
TS. Thigpen khuyến khích những người tham dự Đại hội Thánh Thể thực hành “10 cách thức đơn giản hiệu quả để truyền giáo” và chia sẻ đức tin của họ.
“Chúng ta phải giúp gieo mầm đức tin của chúng ta và bồi dưỡng đức tin của chúng ta”, ông nói. Những lời khuyên giúp cho người Công giáo “bồi dưỡng” bao gồm: trả lời một câu hỏi, giới thiệu một cuốn sách hay, gợi lại một kinh nghiệm có ý nghĩa về Thiên Chúa; cùng lời cầu nguyện với ai đó hoặc cầu nguyện cho một người nào đó; và làm chứng cho sự cam kết đức tin toàn vẹn của chính mình…
TS. Thigpen nói thêm rằng ngay cả khi làm tất cả mọi điều trong danh sách kể trên mà không có kết quả, “hãy kiên nhẫn, vì nếu bạn gieo hạt giống đức tin, thì người nào đó sẽ tưới nước”.
Lm. Robert Barron
Lm. Robert Barron, người sáng lập “Lời Ánh Sáng” (Word on Fire), một sứ vụ truyền thông phi lợi nhuận mang cấp độ toàn cầu, đồng thời khuyến khích cử toạ thực hành đức tin Công giáo cách công khai. Tuy nhiên, Cha cũng phản ánh tầm quan trọng của Thánh Thể mà nơi đó đức tin được in sâu trong ơn gọi riêng của một cá nhân với tư cách là một người Công giáo.
“Chúa Giêsu làm cho những bữa ăn trở thành trung tâm sứ vụ của Người”, Cha Barron nói khi ngài kể lại câu chuyện về bánh và cá và câu chuyện Bữa Tiệc Ly. “Và bạn biết chúng ta trở nên những gì chúng ta ăn... Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta ăn và uống Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta được hoà nhập vào Người”.
Ngài kêu gọi cử toạ khám phá ra sứ mệnh và ơn gọi riêng của mình bằng việc chia sẻ đức tin của mình với những người khác. “Làm thế nào để ân sủng của Thiên Chúa tuôn chảy qua bạn tiến vào thế giới?”, ngài nói. “Để thực hiện được điều đó, bạn cần có tự do... tự do khỏi những ràng buộc của cải, thú vui, quyền lực và danh vọng. Tách khỏi những điều đó là có thể đáp lại thánh ý của Thiên Chúa một cách tự do”. Cha Barron hiện đang làm công việc hậu kỳ cho một loạt phim tài liệu về đức tin Công giáo, được gọi là “Dự án Công giáo”.
Tony Rozier, một giáo dân tại Nhà thờ Chính toà Chúa Kitô Vua, luôn tay ghi chép trong buổi thuyết trình; anh chia sẻ sau bài nói chuyện của Cha Barron: “Tôi nghĩ rằng sứ điệp và chủ đề cho ngày hôm nay là: bạn không bao giờ biết Thiên Chúa là tất cả những gì bạn cần cho đến khi Thiên Chúa là tất cả những gì bạn có - và đó mới là lúc bạn thực sự bắt đầu sống”.
Ca sĩ Dana
Dana, ca sĩ hát bài thánh ca “Chúng ta cùng Một Thân Thể” (We Are One Body) - bản thánh ca đã trở thành bài hát làm hồi sinh giới trẻ Công giáo - dường như phản ánh những suy tư của Rozier; cô kể cho cử toạ câu chuyện về đức tin đã ngủ mê từ thời thơ ấu của cô được phục hồi sau cuộc giải phẫu khiến cô không thể hát trở lại trong hơn 1 năm. Cô ca sĩ nổi tiếng nói rằng cô không thể lấy lại giọng hát của mình cho đến khi cô dâng một lời cầu nguyện nhỏ lên Thiên Chúa và lời câu nguyện của cô đã được chấp nhận - và giọng của cô được hồi phục gần như tức thì.
“Những điều khó khăn nhất mà chúng ta gặp trong cuộc sống, chúng ta có thể nhìn lại những điều ấy một cách thực sự và nói rằng đó là một phúc lành cho tôi”, cô ca sĩ - có tên đầy đủ là Dana Rosemary Scallon - diễn tả.
Cô đã nói với giọng đầy xúc động khi chia sẻ với cử toạ rằng Ireland sẽ tổ chức Đại hội Thánh Thể lần đầu tiên vào năm tới kể từ năm 1932, và mời mọi người đến Ireland vào năm 2012. “Ánh sáng đức tin của bạn cần thiết ở Ireland. Tôi mời các bạn hiệp ý với chúng tôi trong lời cầu nguyện hoặc thân hành đến với chúng tôi”, cô nói.
Lina Cruz, một giáo dân thuộc Giáo xứ Thánh Laurensô, thổ lộ rằng “Đại hội Thánh Thể luôn đánh động và canh tân đức tin của tôi”, khi cô cùng mọi người vừa cầm tay nhau vừa hát bài “Chúng ta cùng một thân thể”.
Trích lại từ tờ báo Công báo của Tổng Giáo phận Atlanta.
Đại hội Thánh Thể hằng năm tại Tổng Giáo phận Atlanta, ngoài diễn đàn chính dành cho những người nói tiếng Anh, còn có diễn đàn tiếng Tây Ban Nha, diễn đàn dành cho người khiếm thính, cho giới trẻ, cho thiếu nhi với những trò chơi và sinh hoạt sôi động. Riêng khu vực nói tiếng Việt do Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Toà Thánh tại Costa Rica, và Cha Giuse Vũ Đảo phụ trách. Các đề tài trong diễn đàn tiếng Việt gồm “Chúa Giêsu Thánh Thể - Nguồn sức mạnh giải phóng nhân loại” (Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt); “Thánh Thể đổi mới những khát vọng của con người” (Lm. Giuse Vũ Đảo, Dòng Ngôi Lời); “Thánh Thể là trung tâm của cộng đồng Kitô giáo” (Đức TGM. Nguyễn Văn Tốt) - chú thích của ND).