Đối thoại với các tôn giáo tại Indonesia: một thách đố
“Đóng góp của Giáo hội Indonesia cho Giáo Hội hoàn vũ là chúng tôi sống tại địa phương và vẫn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội”, Đức Giám mục Martinus Dogma Situmorang của Giáo phận Padang, Sumatra, phát biểu như trên với Đài Phát thanh Vatican.
Sống trong một quốc gia với 200 triệu người Hồi giáo không phải là điều dễ dàng đối với thiểu số rất nhỏ bé 7 triệu người Công giáo. Tuy nhiên, theo Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Indonesia, điều đó không phải là không thể.
Giáo Hội Indonesia - giám mục và giáo dân, “nỗ lực làm việc với các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác, những người anh em Hồi giáo và các đồng đạo Kitô hữu cũng như liên hệ chặt chẽ với chính phủ để đảm bảo rằng sự liên đới và khoan dung thấm nhập mọi cấp độ xã hội, nhất là nơi những người bình thường, là nơi diễn ra cuộc đối thoại thực sự, để giúp loại bỏ chủ nghĩa cực đoan”.
Đức Giám mục Situmorang cùng với 37 giám mục đang thực hiện chuyến viếng thăm Ad Limina lần đầu tiên kể từ 8 năm nay. Chuyến viếng thăm lần trước vào năm 2003, thuộc triều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đối với nhiều giám mục, đây là dịp đầu tiên gặp gỡ và nói chuyện với các vị trong giáo triều và với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Đức cha Situmorang nói tiếp: “Toà Thánh Vatican, nhận thức rằng Giáo Hội không phải ở tại giáo triều, nhưng là ở các giáo phận. Cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Giáo hoàng rất đáng khích lệ. Ngài hỏi nhiều câu cho thấy ngài biết về Giáo Hội của chúng tôi và những thách đố mà chúng tôi phải đối mặt”.
Theo Đức cha Situmorang, một trong những thách đố này là chủ nghĩa cực đoan đang lấn át của một số phần tử cực đoan Hồi giáo, không chỉ nhắm vào thiểu số Kitô hữu trong nước mà cả đa số người Hồi giáo ôn hoà, mưu toan phá hoại sự hoà hợp giữa các tôn giáo và tự do tôn giáo đã được nêu trong Hiến pháp.
Một thách đố khác là đối thoại với các giáo hội Kitô giáo khác ở Indonesia. Đức cha nói cần phải theo đuổi phong trào đại kết, không chỉ với các Giáo hội Tin lành truyền thống mà còn với các Giáo hội Ngũ Tuần và Giáo phái Tin Mừng đang hiện diện ở quần đảo và tính cấp bách của việc tôn trọng “các địa điểm nhạy cảm” liên quan đến việc xây dựng nơi thờ phượng mới. Tự do tôn giáo và tự do thờ phượng phải được đặt trong hoàn cảnh cụ thể”.
(Vatican Radio, 05-10-2011)