ĐHY Turkson nói về sự kiện tại Assisi: Tôn giáo chính là chìa khoá cho hoà bình
TTCG (Rôma, 13-7-2011, Zenit.org) - Đức Hồng y Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, đã góp tiếng nói của mình cùng với những người làm rõ những hy vọng của ĐGH Bênêđictô XVI về hội nghị sẽ được diễn ra tại Assisi tháng vào 10 năm nay, khi nói rằng những cộng đồng tôn giáo nên tham gia vào lực lượng đấu tranh chống lại những nguyên nhân gây nên bất công.
ĐGH sẽ cùng các vị đại diện các tôn giáo và những người không tín ngưỡng trên khắp thế giới tham dự một sự kiện tại thành phố St. Francis, có tên gọi “Những người hành hương của Chân lý và Hoà bình”.
Hội nghị này tiếp theo sau 2 sự kiện tương tự do Chân phước Gioan Phaolô II tổ chức. Cả ba cuộc hội nghị đã làm dấy lên những đợt sóng trong Giáo Hội, cùng với việc một số người cáo buộc ĐGH theo chủ nghĩa hỗn tạp, hoặc đã tạo ra một ấn tượng cho rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng.
Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone đã đưa ra lời giải thích công khai về sự kiện này, và Đức Hồng y William Levada, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, cũng đã làm sáng tỏ thêm.
Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, đã cùng tham gia bằng một bài viết đăng trên tờ L’Osservatore Romano.
Ngài nói rằng bất kỳ cuộc đối thoại liên tôn giáo nào cũng phải dựa trên “sự tôn trọng những khác biệt và đa dạng về truyền thống tín ngưỡng”. Tuy nhiên, những tôn giáo khác nhau được mời gọi cùng nhau “biến đổi tư tưởng và cơ cấu” - ngài nói - và bảo vệ quyền sống là ưu tiên hàng đầu cho mọi nỗ lực chung.
“Nói đến sự cam kết của các cộng đồng tôn giáo về công lý và hoà bình có nghĩa là đề cập đến sự cộng tác của họ vì lợi ích chung của xã hội, trong khuôn khổ các cuộc đối thoại” - Đức Hồng y Turkson viết - “Các nền văn hoá và các tôn giáo trên thế giới đều có một di sản các giá trị và sự phong phú về mặt tâm linh để chia sẻ cho nhau, điều này có thể được xem là một sự chuẩn bị cho Chúa Kitô”.
Đức Hồng y Turkson thừa nhận rằng cuộc đối thoại về thần học hoặc giáo lý không phải lúc nào cũng có thể đạt được, tuy nhiên “ở phương diện cuộc sống và công việc”, có rất nhiều cơ hội để làm việc và nói chuyện cùng nhau.
“Đối thoại có nghĩa là những người đối thoại đón nhận và chấp nhận những nét đặc trưng của nhau, bao gồm cả mặt tốt và mặt xấu”, Đức Hồng Y giải thích. “Cách thức ưu việt trong đối thoại và hợp tác nhằm phục vụ lợi ích chung chính là tôn trọng đối phương, không loại bỏ căn tính của đối phương nhưng tìm cách để hiểu họ”.
Đức Hồng y Tukson nói rằng những tín đồ của các tôn giáo khác nhau được kêu gọi “tham gia vào lực lượng nhằm củng cố tình liên đới và tình huynh đệ giữa các dân tộc, chiến đấu chống lại những nguyên nhân gây nên bất công, và hành động để biến đổi tư tưởng và cơ cấu, thường là nguyên nhân của tội lỗi”.
“Có quá nhiều điều phải suy nghĩ về bạo hành chống lại quyền sống vốn dĩ lan rộng và được khuyến khích bởi cách suy nghĩ chống sinh con theo nhiều cách: ngừa thai, phá thai, pháp chế chống lại việc sinh sản, triệt sản, được một số tổ chức phi chính phủ (NGO) khuyến khích tại các quốc gia nghèo, cũng như cưỡng chế việc kiểm soát sinh sản, cái chết êm dịu”, ngài nói.
Do đó - Đức Hồng Y nói - “một điều quan trọng chính là” những cộng đồng tôn giáo - nhân danh Thiên Chúa, là nguồn, là Đấng sáng tạo và là mục đích tối hậu của sự sống - tham gia vào những lực lượng để phê phán não trạng này trong tất cả mọi lĩnh vực và dấn thân đẩy mạnh và bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên.
Các phong trào
Cùng với tiếng nói thống nhất của giáo triều, các nhà lãnh đạo các phong trào thuộc Giáo Hội cũng đóng góp thêm những quan điểm của họ về giá trị tại cuộc họp ở Assisi.
Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đoàn Sant’Egidio, đã có bài phát biểu vào hôm thứ ba 12-7.
Ông nói rằng “thật hữu ích khi nhìn con đường có sự hiện diện của ĐGH Bênêđictô XVI, từ nhà thờ Hồi giáo Blue ở Istanbul, đến giáo đường Do Thái ở Rôma, và sẽ đến Assisi vào tháng 11 năm nay”.
Riccardi trích dẫn lời ĐGH đã nói vào năm 2007: “Tất cả chúng ta được kêu gọi để hành động cho hoà bình và dấn thân một cách tích cực để đẩy mạnh nỗ lực hoà giải giữa các dân tộc. Đây chính là ‘tinh thần thật sự của Assisi’, tinh thần chống lại mọi hình thức bạo lực và lạm dụng tôn giáo như là một cái cớ cho bạo lực”.
“Lập luận về đấu tranh không phải là tương lai của nhân loại”, ông nói thêm. “Chúng ta không hướng con tim và khối óc tới một cuộc xung đột giữa các nền văn minh, nhưng hướng tới việc cùng nhau chung sống hoà hợp… Đây là một thách thức của Assisi nhưng cũng là một thách thức về việc cùng nhau chung sống trong hoà bình giữa những dân tộc khác nhau về căn tính và truyền thống.
“Tại những bước ngoặc khó khăn của lịch sử, Giáo hội Công giáo vừa làm tròn vai trò chứng nhân đức tin vào Chúa Giêsu Kitô vừa phục vụ sự hoà hợp giữa các dân tộc với hy vọng thúc đẩy một ý thức thánh thiêng về hoà bình và về cuộc sống nhân loại nơi trái tim của những tín đồ thuộc mọi tôn giáo”.
Phong trào Tổ Ấm (Focolore)
Chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm, nhấn mạnh rằng chính Thánh Thần “là Đấng dẫn dắt lịch sử theo một kiểu mẫu tuyệt vời về sự hoà hợp, mặc dù có rất nhiều bóng tối che phủ hành tinh của chúng ta”.
Chị Voce nói thêm rằng đối thoại không thể bị giới hạn ở Assisi: “Ngày nay, đối thoại giữa các tôn giáo không chỉ giới hạn trong giới lãnh đạo, học giả và chuyên gia. Nó phải trở thành cuộc đối thoại về con người, về cuộc sống. Chúng ta nhìn thấy các Kitô hữu và những tín đồ Hồi giáo ở khắp mọi nơi, họ chính là chứng cứ cho sự thật rằng một người có thể tiến triển từ sợ hãi đến việc khám phá và góp phần vào một cuộc chung sống hoà bình trong thành phố của họ”.