Nhật báo Vatican chỉ trích BBC về việc “loại bỏ Chúa Kitô khỏi lịch sử”
EMTY (Rôma, 4-10-2011, CNA/EWTN News) – Nhật báo L'Osservatore Romano của Vatican đã chỉ trích quyết định của mạng lưới truyền hình BBC trong việc ngưng sử dụng ký tự “A.D.” (Anno Domini) và “B.C.” (Before Christ).
Mạng lưới này dự định dùng ký tự “C.E.” (Common Era) và “BCE” (Before the Common Era) khi đề cập đến ngày tháng lịch sử, để tránh “làm mất lòng” những người vô tín ngưỡng.
Nhật báo L'Osservatore Romano gọi đây là quyết định “đạo đức giả, vô nghĩa về mặt lịch sử”. Nhiều người của BBC cũng như các chính trị gia, chẳng hạn như thị trưởng London, Boris Johnshon, cũng đã lên án dự định vô lý này.
Trong một bài viết đăng hôm 5-10 trên tờ báo của Vatican, phóng viên Luceta Scaraffia chỉ ra rằng nhiều phát ngôn viên không thuộc Kitô giáo nói rằng họ “không cảm thấy khó chịu chút nào bởi hệ thống ngày tháng truyền thống này”.
“Rõ ràng việc viện lý do tôn trọng các tôn giáo khác chẳng qua là một cái cớ, vì những gì họ muốn là loại trừ mọi dấu vết về Kitô giáo ra khỏi văn hoá Tây phương”.
Nhà báo Scaraffia lưu ý rằng đây không phải là lần đầu tiên một nỗ lực được thực hiện nhằm thay đổi các ký hiệu lịch sử. Cuộc Cách mạng Pháp Chống Kitô giáo 1789 và Cuộc Cách mạng Lênin 1917 tại Nga với các nỗ lực nhằm thay đổi công thức lịch truyền thống để bắt đầu lại cho tương ứng với niên đại của họ.
Nữ phóng viên gọi những nỗ lực đó là “những tiền lệ khủng khiếp” và cho biết việc đề xuất thay đổi hiện nay là một động thái đạo đức giả thuộc một thành phần những người “dường như không biết lý do tại sao các năm được tính bắt đầu từ một ngày nhất định”.
“Từ chối vai trò cách mạng mang tính lịch sử của sự kiện Chúa Kitô đến trần gian - được cả những người không nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa chấp nhận - là một sự điên rồ hoàn toàn. Và đứng trên góc độ lịch sử, cả người Do Thái và người Hồi giáo đều công nhận điều này”.
Cô chỉ ra rằng với việc Chúa Kitô đến trần gian, nhân loại biết được rằng mọi con người có cùng một phẩm giá, và sự thật này cấu thành cơ sở “cho mọi quyền của con người, mà theo đó các quốc gia và các nhà lãnh đạo được đánh giá”.
“Cho đến thời điểm đó, không ai đã từng nắm giữ nguyên tắc này, và truyền thống Kitô giáo đã dựa trên nguyên tắc này”.
Thế giới thay đổi sau Chúa Kitô - Scaraffia tiếp tục - và nhận ra Thiên Chúa, Đấng vượt quá tự nhiên, “làm cho các dân tộc của Châu Âu có thể khám phá thế giới và giúp các nhà khoa học có thể bắt đầu nghiên cứu thực nghiệm về tự nhiên, điều làm khai sinh nền khoa học hiện đại”.
“Vậy thì, tại sao lại từ chối một món nợ về văn hoá thuộc văn minh Kitô giáo? Không có gì chống lại lịch sử và vô nghĩa hơn thế nữa, khi người Do Thái và Hồi giáo đã hiểu rõ điều ấy. Đó là một vấn đề của lý luận, không phải của đức tin”.