Trong việc giảng dạy, Chúa Giêsu luôn tỏ ra là một nhà sư phạm tuyệt vời. Phương pháp Ngài sử dụng rất sống động, và bài học cũng rất thiết thực. Hôm nay, bài học mà Ngài muốn dạy những kẻ đi theo Ngài, là bài học về thái độ sống đích thực của người môn đệ Đức Kitô. Cụ thể đó là thái độ nào?
Thái độ sống đích thực của người môn đệ Đức Kitô chắc chắn không phải là thái độ háo danh, hám lợi nơi những người Biệt Phái: “Thích được người ta chào hỏi nơi phố chợ, ưa chiếm chỗ nhất trong các hội đường…” (Mc 12,38-39); cũng không phải là thái độ tham lam tiền bạc: “Nuốt hết tài sản của các bà goá” (Mc 12,40); càng không phải là thái độ giả hình giả bộ nơi họ: “Làm ra vẻ đọc kinh dài dòng” (Mc 12,40). Đây là những thái độ sống mà Chúa Giêsu cho biết sẽ bị kết án nặng nề nghiêm khắc. Thái độ sống đích thực của người môn đệ Đức Kitô chắc chắn cũng không phải là thái độ tính toán keo kiệt của những người giàu có. Họ chỉ dâng cúng tiền dư bạc thừa. Và nếu có dâng cúng nhiều đi chăng nữa cũng chỉ vì họ thích phô trương công đức hơn là vì lòng yêu mến Chúa (x. Mc 12,44).
Thái độ sống đích thực của người môn đệ Đức Kitô phải là thái độ sống bằng cả tấm lòng của mình như bà goá nghèo trong Tin Mừng hôm nay. Một tấm lòng quảng đại: bà đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi sống mình, hai đồng xu chính là sự sống của bà (x. Mc 12,44). Một tấm lòng tín thác: tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và đặt trọn sự sống của mình cho Thiên Chúa định đoạt. Đức Giêsu đã khen ngợi tấm lòng của bà và Ngài đã nêu lên cho các môn đệ thấy để bắt chước thái độ của bà, thái độ sống đích thực của người môn đệ Chúa Kitô.
Và đây chính là thái độ sống phản chiếu hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã trao hiến tất cả mạng sống mình và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha trong tâm tình xin vâng, để trở nên của lễ đền tội cho cho con người (Bài đọc II).
Chuyện xảy ra ở Mỹ đã lâu: Một cô bé đang đứng thổn thức bên ngoài một ngôi nhà thờ nhỏ. “Con không vào được lớp học ngày Chúa Nhật”, cô bé nức nở nói với vị linh mục vừa đi tới. Nhìn bộ dạng tiều tuỵ, nhếch nhác của cô bé, vị linh mục hiểu ngay ra nguyên do, ngài cầm tay cô bé dẫn vào trong, tìm cho cô một chỗ trong lớp học. Khoảng 2 năm sau đó, cô bé đã chết trong một chung cư tồi tàn. Cha mẹ của cô bé gọi điện cho vị linh mục, người đã trở nên rất thân thiết với cô bé, đến chủ trì lễ tang và trao cho ngài chiếc ví rách nát của cô bé, trong đó có 57 xu và một tờ giấy nhàu nát với dòng chữ nguệch ngoạc: “Để giúp đỡ cho nhiều đứa trẻ hơn có thể đến lớp học ngày Chúa Nhật.” Đó là kết quả 2 năm trời dành dụm, hy sinh vô vị lợi của cô bé: những đồng xu chứa đựng cả tấm lòng vàng. Vì thế, cũng như “đồng tiền bà goá”, cô đã “bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết”.
Câu chuyện muốn nói lên một thực tế: không ai nghèo đến độ không có gì để dâng hay để cho. Và những ai tự ti là mình không có gì để dâng hiến hay để cho đi là những người có tội: có tội với mình và có tội với Chúa. Nếu không có của cải tiền bạc để cho thì cho đi tấm lòng. Cho đi tấm lòng thể hiện qua những ánh mắt cảm thông. Cho đi tấm lòng thể hiện qua những nụ cười khích lệ. Cho đi tấm lòng thể hiện qua những lời nói ủi an... Cho đi tấm lòng còn thể hiện qua sự hy sinh một phần thời giờ, sức khoẻ và tài năng để hiện diện, để phục vụ tha nhân,…
Cái cho lớn hơn cả vẫn là cho đi tấm lòng, cho đi chính mình. Chỉ với 2 đồng tiền kẻm vốn chẳng có giá trị gì đối với những người giàu, nhưng lại là vô giá trước mặt Thiên Chúa vì đồng tiền đó được gói trong một tấm lòng vàng. Bởi đó người ta thường nói: cho tiền cho bạc là cho ít, cho đi tấm lòng mới là cho nhiều; “của ít mà lòng nhiều” vẫn có giá trị hơn là “của nhiều mà lòng ít hoặc là lòng không có”.
Đối với Thiên Chúa, giá trị của một việc làm không hệ tại ở tầm mức lớn nhỏ của nó, nhưng hệ tại ở tấm lòng, hệ tại ở tình yêu mà người ta đặt vào công việc đó.
Các luật sĩ và biệt phái là những người giàu có trước mặt người đời: giàu của cải, giàu danh dự, giàu quyền chức… nhưng họ lại là những kẻ nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa: nghèo tấm lòng, nghèo nhân đức, nhất là nghèo tình mến.
Ngược lại, bà goá trong bài Tin Mừng cũng như bà goá trong Bài đọc I, là người nghèo thực sự, người rốt hết trước mặt người đời: nghèo của cải, nghèo danh dự, nghèo địa vị… Nhưng bà lại là người giàu có trước mặt Thiên Chúa: giàu lòng quảng đại, giàu nhân đức, giàu tình mến.
Xưng mình là môn đệ Đức Kitô, nhưng chúng ta đang sống thái độ nào? Phải chăng là thái độ háo danh, ham lợi, chuộng hình thức như những người Luật sĩ và Biệt phái? Phải chăng là thái độ tính toán hẹp hòi của những người giàu ích kỷ, không bao giờ dám dâng hiến, không bao giờ dám cho đi?
Ước gì trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta luôn có thái độ quảng đại biết dâng hiến, biết cho đi với tất cả lòng yêu mến và tín thác trọn vẹn như bà goá nghèo trong Tin Mừng hôm nay. Amen.