Công cuộc Tân Phúc Âm hoá cần một ngôn ngữ mới
Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ công cuộc Tân Phúc Âm hoá, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, nhấn mạnh 2 điểm ưu tiên giúp cho sứ mạng của ngài đạt kết quả tốt: tìm ra một ngôn ngữ mới và làm việc trong sự thống nhất. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi với Đức Tổng Giám mục Fisichella tại Theologicum, Phân khoa Thần học và Tôn giáo của Học viện Công giáo Paris, ngày 13-12-2010.
– Đức cha đã đón nhận việc thành lập Hội đồng này vào ngày 28-6-2010 như thế nào?
– ĐTC Gioan Phaolô II đã nói về “công cuộc Tân Phúc Âm hoá” trong suốt gần 25 năm qua. ĐTC Bênêđictô XVI đã quyết định thành lập một Hội đồng mới. Khi ngài nói với tôi về chuyện này và ý định của ngài là sẽ giao cho tôi chức vụ chủ tịch Hội đồng, tôi đã thưa với ngài: “Thưa ĐTC, đây là một thử thách rất lớn đối với con”. Tôi tiếp tục suy nghĩ về nhiệm vụ này: đối với tôi, đây là một dấu chỉ có tính cách tiên tri. Điều đó có nghĩa là phải xem xét một cách nghiêm túc hiện trạng của Giáo Hội và của thế giới. Không thể hình dung một Giáo Hội ở ngoài thế giới, cũng như không thể hình dung một thế giới mà không có Giáo Hội. Điều đó sẽ tạo ra sự trống rỗng mà không gì lấp đầy được. Sứ mạng của chúng ta là mang Lời của Chúa Giêsu vào trong thế giới ngày nay - như đã làm trong 2000 năm qua và vẫn còn tiếp tục - tức là trả lời cho câu hỏi mà con người luôn đặt ra: Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Điều đó sẽ thúc đẩy việc suy tư về hiện trạng của Giáo Hội và của thế giới, đồng thời cũng nghĩ đến tương lai.
– Đức cha có cái nhìn như thế nào về hiện trạng của Giáo Hội và của thế gìới?
– Chắc chắn một điều là chúng ta đang sống trong giai đoạn của những thay đổi. Thời kỳ này kết thúc thì lại bắt đầu một thời kỳ khác. Lúc đó, chúng ta có thể đưa ra một phương hướng cho cái gì đang đến. Chính vì thế mà không nên nhìn tình trạng khủng hoảng một cách đơn giản. Khủng hoảng cũng có thể có ý nghĩa tích cực. “Sự khủng hoảng” theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “phán đoán”, có khả năng xác định lập trường. Thực tế của Tin Mừng nói với chúng ta rằng có nhiều điều tích cực trong thực tại của thế giới, của lịch sử và của Giáo Hội, chẳng hạn như những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, việc nghiên cứu về tâm linh... Sự thờ ơ đối với tôn giáo và thuyết bất khả tri đang rất mạnh mẽ. Thuyết bất khả tri là giai đoạn đầu dẫn đến chủ nghĩa vô thần. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta: “cuộc chiến đấu giữa thiện và ác sẽ kéo dài mãi cho đến tận thế”, nhưng trong thư gởi giáo dân Galata, ngài thêm là “sự thiện vẫn luôn luôn thắng thế”.
– Đức cha hoạch định công cuộc Tân Phúc Âm hoá như thế nào?
Trong Tự sắc “Ubicumque et Semper”, ĐTC nói rằng chúng ta có trách nhiệm đối với toàn thể thế giới, nhưng đặc biệt ngài nói đến những hậu quả của việc thế tục hoá trong những Giáo hội có truyền thống xa xưa, như nước Pháp chẳng hạn. Nước Pháp vẫn luôn năng động. Tình trạng của Giáo hội Pháp cũng vẫn thật sinh động. Ở Pháp có nhiều phong trào và nhiều cộng đoàn mới, được hình thành sau Công đồng Vatican II. Tuy nhiên, nếu người ta nói về việc tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội, thì chắc chắn là có những khó khăn. Nhưng cũng phải thấy mặt trái của tấm huy chương: đó là tính năng động. Do đó, đừng nhìn sự khủng hoảng một cách thụ động, nhưng hãy đưa ra câu trả lời. Hội đồng Toà Thánh mong muốn là có thể giúp được mỗi Giáo Hội một điều gì đó. Như ĐTC đã viết trong thư của ngài là “chúng tôi muốn cộng tác với các Hội đồng Giám mục”. Ngài cũng gợi ý là các Hội đồng Giám mục có thể thành lập một “Uỷ ban Tân Phúc Âm hoá”. Việc này không thể làm trong chốc lát. Hơn nữa, vào năm 2012 sẽ có Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Công cuộc Tân Phúc Âm hoá và việc Truyền bá Đức tin. Chúng ta sẽ thấy cụ thể hơn sự cộng tác giữa các giám mục và những gợi ý của các ngài vào thời điểm ấy.
– Đâu là những phương hướng chính của công việc của Đức cha?
Hội đồng Toà Thánh về công cuộc Tân Phúc Âm hoá chủ yếu muốn nói với các Kitô hữu, mang lại cho họ khả năng tái khám phá căn tính của mình và cảm nhận mình gắn bó với Giáo Hội. Chúng tôi muốn trợ giúp và đồng hành với họ vào lúc mà đa số những người ấy không còn hiểu nữa - hoặc không còn biết nữa - những nền tảng của đức tin. Về điểm này, phải tìm một ngôn ngữ mới. Chúng ta phải sử dụng tất cả những phương tiện tân tiến cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá. Đối với Hội đồng, công việc đầu tiên phải làm là tìm biết cái gì đã có sẵn. Từ tháng 7-2010, tôi đã tiếp nhận nhiều người thích và đã dấn thân vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá. Có những phong trào giáo dân, những phong trào tu sĩ, những người sống đời thánh hiến và những chương trình mục vụ tại các giáo xứ đã đóng góp cho công cuộc này. Phải giúp cho mọi người hiểu là người ta không thể làm việc đơn độc nữa, cũng không thể chịu sự phân vùng của nền văn hoá đương đại. Chúng ta phải cho thấy những dấu chỉ thống nhất trong Giáo Hội: đó là cộng tác trong tinh thần bổ túc lẫn nhau. Làm việc trong sự thống nhất đó là nhu cầu của ngày nay. Dấu chỉ này càng mạnh mẽ thì công việc càng hiệu quả.
(Nguồn: eglise.catholique.fr, 15-12.2010)