Joe Torres từ Manila, Philippines
Người sử dụng Internet phản đối luật phỉ báng trên mạng
Hôm qua, ngày 2-10, những người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội ở Philippines tổ chức biểu tình kể cả trên mạng để phản đối luật mới về chống tội phạm trên mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 3-10.
Các nhà hoạt động và những người ủng hộ quyền tự do báo chí xem đạo luật này là mối đe doạ cho quyền tự do ngôn luận đã được hiến pháp tôn trọng, và kêu gọi toà án tối cao ban hành lệnh cấm tạm thời trước khi thực hiện đạo luật này, nhưng toà án đã không thực hiện.
Một thành viên toà án yêu cầu giấu tên nói các thẩm phán chưa xem xét hết các đơn kiến nghị.
Nhóm nhân quyền Karapatan thúc giục toà án tối cao tuyên bố đạo luật này là vi hiến vì nó "khơi lên những đe doạ nghiêm trọng đối với quyền riêng tư, quyền tự do ngôn luận trong số các quyền chính trị và dân sự khác".
Cristina Palabay, Tổng Thư ký Karapatan, cho biết ngoài những điều khoản về phỉ báng, đạo luật còn cho phép nhà chức trách có quyền hoàn toàn tự do theo dõi việc truy cập Internet và gỡ bỏ các trang được họ cho là "phỉ báng".
Bà nói đạo luật có ảnh hưởng rất lớn đến công tác của những người bảo vệ nhân quyền và vi phạm Công ước Quyền Chính trị và Công dân Quốc tế và Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Đạo luật còn vi phạm quyền công chúng truy cập các sự kiện và thông tin về các vấn đề nhân quyền, bày tỏ và hành động theo quan điểm của mình - bà nói.
Theo Thượng Nghị sĩ Teofisto Guingona, nhà lập pháp duy nhất phản đối việc thông qua dự luật trong thượng viện, trao đổi hay nhắc lại những lời phỉ báng có thể bị phạt 12 năm tù giam.
"Theo tôi, chúng ta cần Đạo luật Phòng chống Tội phạm trên Mạng. Tuy nhiên, đưa vào các điều khoản rắc rối về phỉ báng trên mạng này sẽ làm mất đi nguyên tắc cơ bản của việc quản lý tốt" - Guingona nói.
Tất cả các diễn đàn kể cả Facebook, Twitter và các mạng truyền thông xã hội khác đã phản đối điều khoản bôi nhọ của đạo luật mới này.
Những người sử dụng Facebook đăng tải các hình ảnh đen trong profile và thông tin về tài khoản của mình, trong khi sinh viên và các nhà hoạt động diễu hành đến tòa án tối cao kêu gọi bỏ "tình trạng thiết quân luật trên mạng".
Một số người sử dụng Facebook thay phần cập nhật thông tin của mình bằng các khối đen, kèm theo thông điệp "[POST BLOCKED] (RA No. 10175)" ám chỉ Đạo luật Cộng hoà 10175 hay Đạo luật Phòng chống Tội phạm trên Mạng 2012.
Nghị sĩ Raymond Palatino thuộc Đảng Giới trẻ kịch liệt đả kích việc toà án tối cao thiếu hành động sau khi có tin một số thẩm phán vắng mặt trong phiên họp mở rộng của toà án tối cao.
"Qua đó chúng ta có thể nói vắng mặt làm cho Internet thiếu minh bạch hơn" - Palatino nói.