Con đường Tống Duy Tân - Lê Thánh Tôn - Đinh Tiên Hoàng vẫn in dấu chân tôi trong mỗi chiều đi tìm kỷ niệm, nhưng cô đã không còn để tôi ghé thăm, để được nghe lời cô trách nhẹ nhàng: Sao lâu lắm rồi con không về thăm Huế!
Giã từ tuổi thơ cùng với những bộ đồng phục chỉnh tề, chúng tôi bước vào ngôi trường trung học. Nét cổ kính cùng sự rộng lớn của ngôi trường Trung học Hàm Nghi đã làm cho không ít những cậu bé tập làm người lớn trong lớp run chân. Đón chúng tôi trong giờ học đầu tiên là một cô giáo trẻ có nụ cười rất nhân hậu với danh xưng lạ lẫm "Giáo sư hướng dẫn". Chính nụ cười đầu tiên trong ngày gặp mặt đã giúp chúng tôi bình tỉnh tự tin hơn, hòa nhập nhanh hơn với ngôi trường mới của mình.
Nhà của cô cũng ở gần trường, ngôi nhà cổ với vườn hoa và cây ăn trái là điểm tập trung của cả nhóm chúng tôi trong những ngày nghỉ. Với cây đàn măngđôlin trên tay, cô truyền cho chúng tôi tình cảm yêu quê hương qua những bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh. Bên cô, con người trong chúng tôi ngày càng trưởng thành, ngày một trở nên người hơn. Tờ báo "Mái Trường" của lớp đã ra đời cùng với tiết mục múa do cô đạo diễn là món quà chào sân của lớp với ngôi trường mới trong cái tết âm lịch đầu tiên.
Những ngày hạnh phúc sao quá ngắn, khói lửa chiến tranh tràn tới trên quê tôi, mỗi người lưu lạc một phương. Trở về sau cuộc chiến thì ngôi trường đã bị chia làm hai và di dời đến những địa điểm khác nhau, rồi lớp học cũng bị chia ra, mãi 3 năm sau lớp mới được đón cô về dạy môn Văn và cũng là giáo viên chủ nhiệm.
Ngày nay, sau 36 năm, ngồi nhớ lại ngày xưa trong những buổi gặp mặt, có những thầy cô đã không cầm được nước mắt khi hồi tưởng lại hình ảnh thế hệ học sinh chúng tôi, một thế hệ đói nhất, rách nhất, khổ nhất nhưng cũng là thế hệ học sinh dễ thương nhất trong cuộc đời cầm phấn của các thầy cô. Chính sự nhiệt tình giảng dạy của cô trong vai trò cô giáo dạy Văn đã nâng tâm hồn chúng tôi lên, những tình cảm về tình yêu quê hương và tình yêu con người với con người đã được cô lồng ghép qua từng bài giảng, đã làm cho chúng tôi quên đi đói rét và xoá đi những mặt cảm ngăn cách mà ai đó đã tạo ra trong tâm hồn thơ trẻ của chúng tôi.
Không chỉ giảng hay, cô còn là người mẹ dịu hiền của cả lớp. Nhìn những đứa học trò môi xám đen vì lạnh, cô đã âm thầm tháo những chiếc áo len của mình để đan lại cho mấy đứa, mỗi đứa học sinh nghèo một cái nhưng tuyệt đối bí mật để những đứa học trò nghèo khỏi tủi thân với bạn bè cùng lớp. Những chiếc áo len của tình yêu thương và bí mật đó chúng tôi chỉ biết sau hơn 30 năm, khi cô không còn hiện diện trên đời để chúng tôi nói lời tri ân.
Thời gian qua nhanh, lớn lên mỗi đứa đi lập nghiệp ở một phương trời khác nhau, nhưng dù đi đâu về đâu thì mái nhà cổ của cô bên đường Tống Duy Tân luôn là địa điểm để chúng tôi cập nhật thông tin của nhau mổi khi có dịp về thăm Huế. Khi còn trẻ thì đến cùng vài đứa bạn, khi có gia đình thì mang theo cả vợ con. Cô không quên một đứa nào trong lớp, ngồi với cô có thể nghe hằng giờ thông tin về những đứa bạn đã nhiều năm không gặp, vẫn nụ cười rất hiền, cười cả bằng ánh mắt, cô ân cần hỏi han về gia đình về cuộc sống , cô an ủi khi chúng tôi gặp những khó khăn trên đường đời, cô vui mừng chia vui khi chúng tôi thành đạt và có một gia đình đầm ấm.
Trong cuộc sống có những điều chúng ta không hề muốn nhưng nó vẫn xảy ra, trong một dịp về thăm quê, cả nhà chúng tôi đến thăm cô, lúc này cô đang nằm trên giường bệnh. Không nói được bằng lời, chỉ có những giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy gò của cô. Lặng đi trong nỗi đau, đây là cô giáo trẻ trung ngày nào của lớp 6/3 và lớp 9/10 đây sao? Còn đâu ánh mắt nụ cười hiền dịu, còn đâu những lời khuyên chân tình, những câu hỏi của người mẹ hiền lâu ngày đón con về thăm quê.
Hè năm nay lại được về Huế, ngôi trường cũ vẫn còn đó, nét rêu phong vẫn dày theo năm tháng. Con đường Tống Duy Tân - Lê Thánh Tôn - Đinh Tiên Hoàng vẫn in dấu chân tôi trong mỗi chiều đi tìm kỷ niệm, nhưng cô đã không còn để tôi ghé thăm, để được nghe lời cô trách nhẹ nhàng: sao lâu lắm rồi con không về thăm Huế!