Thứ Bảy, ngày 16 tháng 07 năm 2011 NewsFeed   -
PHÓNG SỰ - TUỲ BÚT
S  M  L
LẤY NGHỊ LỰC THAY CHO ĐÔI CHÂN!
(Cập nhật: 09/07/2011 - 19:21:24)
Hạnh (Phương Dung) trong phim "Xe lăn"
Lấy nghị lực thay cho đôi chân!

Ai đã từng ghé quán Vườn Lan trên đường Trần Não, Q.2, chắc chắn sẽ có ấn tượng về Phương Dung, cô ca sĩ xinh xắn, dễ thương có nụ cười thật tươi, đôi mắt to buồn “biết nói”, với giọng ca tự tin, ngọt ngào, đằm thắm. Dung kể về cuộc đời mình cứ như một chuyện cổ tích nhưng không có một phép màu nào ở đây, chỉ có sự động viên của người thân và nghị lực của chính mình. Ở tuổi 25, Dung được nhiều người biết đến ở cả lĩnh vực điện ảnh và ca hát. Cô ca sĩ ấy đã “lấy nghị lực thay cho đôi chân”…

------------------------------

Cũng như Hạnh trong phim “Xe Lăn”, Dung đã vượt qua những khó khăn và thử thách bằng chính nghị lực và năng lực của mình. Nếu Hạnh đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với người xem thì Dung ngoài đời cũng tạo ấn tượng không kém. Dung thổ lộ: “Khi được đạo diễn Vũ Thành Vinh phát hiện và mời vào vai Hạnh, dù không có một chút kiến thức về diễn xuất, mình nhận lời vì nghĩ đây vừa là cơ hội làm cho mọi người có cái nhìn khác hơn về người khuyết tật, cũng như nhắn nhủ người khuyết tật đừng mất niềm tin vào cuộc sống”.

Thật bất ngờ, phim đoạt huy chương vàng Liên hoan Phim Truyền hình Toàn quốc năm 2002. Vào vai khá dễ dàng vì Hạnh có nhiều điểm giống cô, nhưng ít ai biết cho đến lúc đó, Dung chưa một lần đi xe lăn. “Để vào vai, mình phải tập điều khiển xe lăn cả tuần mới ổn”, Dung cho biết. Dung nói ngay từ nhỏ, cô đã muốn được tự đi trên chính đôi chân của mình. “Nếu không có ai bế, mình chấp nhận bò, lết chứ nhất định không chịu ngồi xe lăn, lớn hơn, mình tập gắn bó với đôi nạng. Bây giờ cũng vậy, có lúc phải ngồi trên xe lăn để diễn, nhưng khi diễn xong là mình trèo xuống ngay”. Đôi chân dò dẫm ấy dù không được vững vàng và chắc chắn như những người bình thường, nhưng với nghị lực, Dung đã vượt thắng chính mình.
 
Là con thứ ba trong gia đình có năm chị em ở Đơn Dương, Lâm Đồng, Dung đã mất đi đôi chân lành lặn sau cơn sốt bại liệt từ năm lên hai. Vì bệnh tật, mãi đến năm 10 tuổi Dung mới vào học lớp một. Cánh cửa đầu đời như khép lại khi cô không chịu nổi sự chế giễu của bạn bè. Rồi cô cũng vượt qua được sự tủi thân, mặc cảm, quyết tâm “học thật giỏi để người khác không xem thường như lời động viên của má” và mau chóng hoà nhập vào cuộc sống với sự tự tin, mạnh mẽ, đầy cá tính. “Mình không chịu được khi cô giáo cho rằng mình chậm hiểu nên không được học chính thức, càng bất mãn hơn khi cô giáo chỉ phê chữ “xem” mà không bao giờ chấm điểm cho bài tập của mình. Mình muốn được cô giaùo đối xử công bằng như các bạn khác” - Dung kể. Phản ứng của cô học trò nhỏ lúc đó là xé hết những trang giấy mỗi lần cô giáo trả tập. Sau nhiều lần, cô giáo đành “chịu thua” và chấp nhận cho Dung vào học chính thức. Cô học trò nhỏ đã khẳng định được mình khi suốt những năm cấp một, cô đều là học sinh giỏi và còn giữ chức lớp phó. Trong lớp, Dung luôn luôn giành ngồi bàn đầu và phải đầu bàn mới chịu, vì “không muốn ở sau bạn nào hết” như lời thú nhận của Dung.

Không chỉ học giỏi, Dung còn thích hát và hát rất hay. Biết năng khiếu của con, ba má Dung lúc nào cũng tạo điều kiện cho Dung tham gia văn nghệ từ nhỏ. Năm lớp ba, cô bé tật nguyền đã dám tập văn nghệ cho lớp biểu diễn, còn mình kiêm thêm phần hát cho các bạn múa phụ hoạ. Lên cấp hai, Dung lại đứng ra thành lập đội văn nghệ riêng gồm 9 bạn nữ. Nhóm đã cộng tác với huyện đoàn, nhà văn hoá để tham gia lưu diễn phục vụ nhiều nơi, nhất là ở những vùng sâu vùng xa trong tỉnh, đoạt được nhiều giải thưởng và hoạt động đến hết những năm cấp ba. Năm 1999, Dung tham gia và đoạt giải tư Tiếng hát Truyền hình tỉnh Lâm Đồng. Cũng năm đó, Dung tốt nghiệp PTTH, khăn gói vào Sài Gòn, dự định thi vào Nhạc viện, nhưng trường lại không tuyển người khuyết tật.
 
Một lần nữa, cánh cửa cuộc đời như khép lại đối với cô gái khuyết tật nơi đất Sài Thành xa lạ. “Từ nhỏ, mình vốn là đứa cứng rắn và rất ít khóc, nhưng lúc đó, mình hụt hẫng thật sự và khóc không biết bao nhiêu mà kể. Khóc chán rồi chuyển qua trách móc, tủi hờn” - Dung bộc bạch. Nhưng xem ra khóc cũng chẳng giải quyết được gì, Dung lại tự dò dẫm tìm hướng đi riêng và “quyết tâm theo nhạc dù học tư cũng được”. Theo sự chỉ dẫn của một người bạn, Dung tìm đến học xướng âm với thầy Ngọc Côn. Thấy rõ năng khiếu và ước mơ của cô học trò, thầy khuyên Dung muốn thăng tiến hơn phải học thêm thanh nhạc và cũng chính thầy giới thiệu Dung với cô Mỹ An, giảng viên thanh nhạc ở Nhạc viện. Từ đó, Dung theo học thanh nhạc với cô Mỹ An và cô trở thành người đỡ đầu cho Dung. Năm 2000, Dung đoạt giải Thí sinh nhỏ tuổi hát hay (Liên hoan Ca múa nhạc Truyền thống Cách mạng tháng Tám Quận 10), giải ba Tiếng hát Phát thanh TP.HCM, và bắt đầu đi hát, rồi “định cư” luôn ở quán Vườn Lan cho đến nay.

“Những ngày đầu đi hát đối với mình không phải là chuyện dễ dàng” - Dung nhớ lại. “Khi biết mình có ý định xin vào hát, người thầu nhạc đã tỏ ra e dè, không mấy tin tưởng và không muốn nhận. Dễ hiểu thôi vì lúc đó mình chưa là gì cả. Một người bình thường xin việc đã khó huống hồ một người khuyết tật như mình”. Tuy không bị từ chối nhưng Dung không được hát chính thức và lại phải ngồi ở hàng ghế “dự bị” như những ngày đầu đến trường. Rồi một lần, Dung mạo muội xin được bè thử cho cô bạn hát chính, “cứ tưởng tượng mọi con mắt vừa ngạc nhiên xen chút tò mò đổ dồn vào mình chờ đợi” và thật bất ngờ khi người được tặng hoa hôm đó là Dung chứ không phải là cô bạn ca sĩ.
 
“Kể từ hôm đó, mình được hát. Vui gì bằng nhưng tâm trạng vẫn căng thẳng vì cứ phải để ý thăm dò phản ứng của khán giả và sợ sự từ chối của họ. Nhưng sau những tràng pháo tay cỗ vũ nhiệt tình, mình dần lấy lại sự bình tĩnh, tự tin và dường như quên hết mọi sự xung quanh, mình cứ thế thả hồn vào từng lời hát”. Chất giọng Dung phù hợp với nhiều loại nhạc nhưng đặc biệt bén duyên với dòng nhạc nhẹ, trữ tình. Hỏi về những bài yêu thích, Dung bộc bạch: “Mình thích hát nhạc Trịnh Công Sơn và Ngô Thuỵ Miên và bài mình thích hát nhất là “Cát bụi” vì ca từ đặc biệt của nó. Có những bài mình rất thích nhưng hiếm khi hát mà chỉ muốn người khác hát cho nghe như “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, “Phận tơ tằm”, “Mùa thu chết”…, đặc biệt có một dạo, cứ trước khi ngủ, mình phải nghe bằng được “Con đường màu xanh”, vì sau những đỗ vỡ, biệt ly, bài hát vẫn có một kết cục đầy hy vọng,  dẫu “… em cô đơn trên con đường dài, giọt nước mắt hãy lau thật khô. Tình yêu đã tan theo mây trời. Tôi mong em từ nay nhìn lại con đường em đi trên đầy màu xanh…” (Dung cất tiếng hát). Nó giúp mình thêm niềm tin và hy vọng vào cuộc sống”.

Hiện tại, Dung còn cộng tác với Hội Thanh niên Khuyết tật, Cơ sở Cứu trợ Trẻ em Tàn tật Thiên Phước, các trường Hy vọng, Mái ấm… và sẵn sàng diễn phục vụ bất cứ đâu miễn là sắp xếp được thời gian. Khi tham gia vào những công tác này, Dung nhận ra “mình còn may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người khác có cùng cảnh ngộ”, nên ngoài việc tập văn nghệ, “mình dành thời giờ tâm sự, chia sẻ, khơi lại cho các bạn niềm tin, vượt qua khó khăn, mặc cảm”. Từ đầu năm nay, Dung có thêm nhiều niềm vui mới: đoạt giải Tiết mục Xuất sắc cuộc thi Liên hoan Tiếng hát cho Người Khuyết tật các tỉnh Đông Nam Bộ năm 2004, giải nhất Liên hoan Văn nghệ Từ trái tim đến trái tim năm 2004 và một số giải thưởng khác. Tháng 5 vừa qua, Dung cùng các bạn trong Hội Thanh niên Khuyết tật thực hiện chuyến lưu diễn Hát cùng Điện Biên.


Ca sĩ Phương Dung trong đêm nhạc Trung Thu (2009) dành cho trẻ em khuyết tật tại TP.HCM 

Khi hỏi đến tương lai, Dung nói: “Ước mơ lớn nhất của mình không phải là ca hát mà được trở thành cô giáo dạy nhạc cho người khuyết tật. Có nhiều lý do làm Dung chưa thể thực hiện sớm được. Sắp tới, mình dự định mở một shop hoa, hàng lưu niệm thủ công để cộng tác, giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh. Lúc rảnh rỗi, mình tập tành viết và muốn học thêm lớp viết kịch vì tự thấy có năng khiếu chút ít”. “Dung có thấy mình hơi bị tham lam?” “Bất cứ ai cũng được quyền mơ ước. Dung cũng vậy. Cứ cố gắng hết mình, còn chuyện gì đến ắt sẽ đến. Thú thật, nhiều lúc cũng thấy buồn và nghĩ nếu mình bình thường có lẽ mình sẽ làm tốt hơn những gì mình mong ước. Con người ta đôi khi không bằng lòng với những gì mình đang có. Có lúc mình cảm thấy như bị mất phương hướng, không biết nên đi hướng nào để về sau có thể tự lo cho mình cách tốt nhất”.

Đằng sau những gì có được, Dung vẫn là một cô gái bình dị, vui tính, dễ gần. Có điều nụ cười tươi luôn ngự trị trên môi vẫn không che giấu được đôi mắt to buồn “biết nói” như đang dõi nhìn xa xăm. “Lạ lắm. Mình có trang điểm màu sáng đi nữa mắt vẫn không vui lên được và cứ như đang mọng nước”. Có lẽ như bao người con gái khác, Dung cũng ao ước có được hạnh phúc như Hạnh trong ngày cưới nhưng khi hỏi đến vấn đề tình cảm, Dung cười: “Mình mong lý trí sẽ điều khiển được con tim. Trước mắt, Dung chưa cho phép mình nghĩ nhiều về vấn đề này. Để tìm một người hiểu, cảm thông thật sự với hoàn cảnh của mình không phải dễ, vì vậy mình lại càng phải thận trọng hơn. Mình không muốn bị tổn thương. Mình muốn ai cũng là bạn và đang cố gắng để mình đừng để ý ai”.

Mỗi lần thấy Dung ngoài đường, nhiều người vẫn quen gọi cô là Hạnh. Nhưng “Dung thích được là mình chứ không phải là Hạnh, bởi “hạnh” đi với “phúc” mới có ý nghĩa trọn vẹn, còn đứng một mình thì khổ và đáng thương lắm, mà mình lại ghét nhất ánh mắt thương hại của người khác”.

Mai Trang

 
NGHỆ THUẬT - PHIM - ẢNH

HÌNH ẢNH ĐẸP

Photo

Album: Royal Wedding
< July 2011 >
Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat
26 27 28 29 30 1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30
31 1 2 3 4 5 6
More... (All Collections)
H2O NEWS

Everything Meaning To You!

Email: [email protected]

Website: emty.org

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@