RSS EVERYTHING MEANING TO YOU
Cập nhật ngày: 8/13/2013 11:17:38 AM
Thể chế dân chủ hình thành ở Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại lễ tưởng niệm phong trào dân chủ 1988. - Ảnh: AFP/Soe Than Win
Daniel Wynn (*) từ Yangon, Myanmar

Tưởng niệm phong trào 8888, còn nhiều việc phải làm phía trước

Cách đây 25 năm, hàng trăm ngàn người dân Myanmar thuộc các tầng lớp xã hội và mọi miền đất nước đã nổi dậy đòi chấm dứt chế độ quân sự thống trị một phần tư thế kỷ, khiến đất nước lạc hậu so với thế giới và làm nghèo một quốc gia đã từng thịnh vượng.

Đòi hỏi tự do của họ đã được đáp trả bằng đạn pháo của quân đội. Ước tính khoảng 3.000 người thiệt mạng. Hàng ngàn người bị bắt giam, tra tấn và cầm tù dài hạn. Cuộc nổi dậy bị dập tắt và quyền lực quân đội gia tăng.

Tuy nhiên, qua vài thập niên, tinh thần do các nhà hoạt động sinh viên khởi xướng vào ngày 8-8-1988 sống mãi. Những người đứng lên chống lại chế độ tàn bạo phải trả giá bằng mạng sống.

Tôi bị bắt vào năm 1998 vì phát tờ rơi và tham gia biểu tình chống lại chính phủ, kêu gọi chấm dứt chết độ độc tài quân phiệt.

Trong suốt 7 năm tù, tôi bị tra tấn thể chất lẫn tinh thần trong 3 nhà tù khác nhau cùng với hàng ngàn người bị cầm tù khác.

Nhiều đồng nghiệp và bạn bè tôi đã chết trong tù vì bị tra tấn, bị đói và không được chữa bệnh. Những người khác sống sót nhưng bị các chấn thương tâm lý nghiêm trọng và không thể phục hồi sau khi ra tù.

Thực tế, trong vài năm qua, lệnh ân xá đã phóng thích hầu hết các tù nhân chính trị tại Myanmar, nhưng dư chấn giam cầm vẫn còn dai dẳng.

Khi cả nước tổ chức lễ tưởng niệm cuộc nổi dậy đòi dân chủ 8888, có sự chấp thuận và tham dự của các quan chức chính phủ quân sự trước đây, những người đã đưa người biểu tình vào làn khói đạn. Tiếng hô vang Doh ayei (đó là nhiệm vụ chúng tôi) của người biểu tình trên đường phố năm nào nay được trả lời.

Tuy nhiên, quốc gia vẫn còn chia rẽ chính trị, sắc tộc, tôn giáo. Tù nhân chính trị còn bị giam cầm, các nhà hoạt động vẫn là đối tượng bắt bớ và giam giữ. Những người lưu vong nay quay trở lại và bắt đầu hội nhập vào đời sống xã hội, nhưng vẫn chưa thể tuyên bố chiến thắng.

Niềm phấn khích của lễ tưởng niệm 25 năm là không thể phủ nhận, và niềm vui khi thấy bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn tại Trung tâm Hội nghị Myanmar trước các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động và ngay cả các thành viên của Mặt trận Dân chủ toàn sinh viên Myanmar đã làm cho những nhà quan sát mệt mỏi nhất cảm thấy lạc quan.

Nhưng hơn hết đó là cử chỉ của chính phủ dân sự trên danh nghĩa và dễ bị kích động dù vẫn chưa thừa nhận sự tàn bạo gây ra cách đây 25 năm bởi quân đội vũ trang đối với thường dân.

Người được gọi là tổng thống cải cách, ông Thein Sein, vị tướng trong hội đồng cầm quyền cũ, đã dẫn đầu cải cách có những kết quả thấy được. Nhiều tù nhân chính trị được thả, nhiều luật mới như quyền biểu tình và người ta có thể bàn luận chuyện chính trị một cách công khai mà không còn nguy hiểm như trước đây.

Bà Suu Kyi là thành viên quốc hội và có thể sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2015. Nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế đã được dỡ bỏ. Myanmar đang mở cửa ra cùng thế giới trong khi Tướng Ne Win tìm cách duy trì cô lập.

Vậy Myanmar đã trở thành một nền dân chủ chính thức nơi các quyền công dân được bảo vệ chưa? Chưa. Hiến pháp điều hành đất nước được thông qua bởi tất cả thành phần công dân? Chưa. Thật ra, vẫn đang còn tranh cãi về thế nào là quyền công dân thực sự ở Myanmar.

Vẫn chưa kết thúc những thập kỷ nội chiến tại các vùng người dân tộc đang đi tìm giải pháp tự trị.

Giống như nhiều nhà hoạt động và cựu tù chính trị khác, tôi không tìm cách trả thù những người bắt tù và tra tấn tôi. Thậm chí tôi cũng không mong đợi một lời xin lỗi từ các tướng lĩnh cũ hoặc sự xác nhận về những tội ác chống lại nhân loại mà họ gây ra.

Người ta hơi thất vọng vì báo chí, truyền hình và đài phát thanh nhà nước không tường thuật đầy đủ về lễ tưởng niệm 3 ngày này.

Những gì tôi và nhiều người khác muốn là quân đội cần trở về doanh trại của mình, đảm nhận vai trò chính yếu của họ được tạo ra nhiều năm trước đây bởi anh hùng bảo vệ độc lập đất nước.

Theo Tướng Aung San, bảo vệ đất nước chứ không cô lập; bảo vệ công dân chứ không giết họ trên đường phố; chính quyền dân sự điều hành chứ không phải hành hạ quyền dân sự; và ủng hộ hệ thống dân chủ chính nghĩa phục vụ lợi ích tất cả công dân Myanmar, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến.

Nếu không, những sự kiện bi thảm của 25 năm trước sẽ tiếp tục dai dẳng. Bạo lực tại các vùng dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục tước quyền công dân và cộng đồng. Vậy nhiệm vụ tuyệt vời của thế hệ các sinh viên, nhà hoạt động, nhà sư, chủ cửa hàng, nhà ngoại giao, nông dân và công dân sẽ không được hoàn thành.

Các nhà lãnh đạo sinh viên dẫn đầu cuộc nổi dậy vào năm 1988 vẫn còn cảnh giác.

“Bây giờ chúng tôi không muốn có những hành động để buộc những ai ra lệnh cuộc đàn áp phải chịu trách nhiệm, bởi vì xu hướng chính trị hiện nay tập trung vào tiến trình hoà giải”, ông Ko Ko Gyi, nhân vật chủ chốt phong trào thế hệ 88, cho biết.

Sự cảnh giác này nhắc nhở chúng ta rằng những cải cách dân chủ của đất nước được nhiều người ca ngợi sẽ còn đi xa hơn nữa, nếu không nguyện vọng của những người đã hy sinh mạng sống vì tự do chỉ là một ước mơ xa vời.


-------------------

(*) Daniel Wynn là cựu tù nhân chính trị và là phóng viên tự do tại Yangon