EMTY (21/6/2013 - CNA, Joe Tremblay *) - Khi cầu nguyện, có thể có một cám dỗ nào đó để nghĩ rằng cầu nguyện càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn, điều thường được giả định là khi lần một chuỗi sẽ làm vui lòng Chúa hơn dù chúng ta hoàn thành năm chục hạt mà không nhận được nguồn cảm hứng nào. Nhưng theo các thánh, việc này ngược lại là khác. Trong thực tế, giá trị của cầu nguyện không được đo lường bằng số lượng hay thời gian mà bằng chiều sâu của nó. Điều này cũng áp dụng cho tiến trình tâm linh. Tiến gần Chúa Kitô về cường độ yêu thương mà chúng ta dành cho Ngài thì tốt hơn là tích luỹ những kinh nghiệm tâm linh hay thực hiện nhiều cuộc linh thao.
Trong cuốn “Đối thoại”, tác phẩm kinh điển nổi tiếng về tâm linh, Chúa Cha tham gia vào cuộc đối thoại với Thánh Catarina thành Sienna bằng cách thế giống như Chúa Giêsu thể hiện với Thánh Faustina trong cuốn “Nhật ký Lòng Chúa Thương Xót”. Chúa ban cho Thánh Catarina một bài học vô giá về cầu nguyện. Ở đó, Ngài chỉ cho thánh nhân biết tầm quan trọng của việc cầu nguyện bằng lời, cầu nguyện trong tâm trí (hay suy gẫm) và cách chúng hỗ trợ cho nhau như thế nào.
Khi cầu nguyện lớn tiếng hay bằng lời, điều quan trọng là không vội vàng kết thúc những lời cầu nguyện ấy vì mục đích muốn hoàn thành chúng. Thay vào đó, thánh nhân làm cho tâm trí mình tràn ngập “những nguồn cảm hứng” hoặc “những cuộc viếng thăm” mà thánh nhân có thể nhận được từ Chúa Thánh Thần. Và nếu điều diễn ra nơi những người đang cầu nguyện mà được soi sáng về bất kỳ khía cạnh cụ thể nào của lời cầu nguyện hoặc một số người nghĩ về việc Chúa Kitô đến với họ trong tâm trí, thì ý định muốn kết thúc lời cầu nguyện (ví dụ như lần một chuỗi hạt hoặc đọc Kinh Thánh) nên nhường cho những “cảm hứng” hoặc “cuộc thăm viếng” này. Nói cách khác, việc cầu nguyện bằng lời nên dừng lại và bắt đầu cầu nguyện trong tâm trí (tức suy gẫm về những gì Chúa truyền cảm hứng cho bạn). Khi nói với Thánh Catarina, Chúa làm theo cách này:
“Nếu người nào chỉ trông vào việc hoàn thành cho đủ số điểm những lời cầu nguyện, hoặc bỏ lời cầu nguyện trong tâm trí để cầu nguyện bằng lời, thì người ấy sẽ không bao giờ tiến triển được. Một người có thể đặt ra cho mình một số lượng nhất định việc cầu nguyện bằng lời. Nhưng Ta có thể đến trong tâm trí của người ấy bằng cách này hay cách khác, đôi khi với một tia sáng để họ tự nhận thức và ăn năn tội lỗi của mình, đôi khi ở trong sự cao cả của tình yêu mà Ta đặt trước tâm trí của người ấy bằng sự hiện diện Sự Thật của Ta [Con của Ngài] theo những cách khác nhau, tuỳ theo ý muốn của Ta hay niềm khát khao của người ấy. Và đôi khi người ấy lại dại dột khước từ cuộc thăm viếng của Ta, là điều mà người ấy cảm nhận được trong tâm hồn mình, chỉ vì để hoàn thành cho đủ số điểm mà mình đặt ra... Đây không phải là cách người ấy hành động.”
Vì vậy, điều quan trọng là việc cầu nguyện bằng lời phục vụ như một công cụ dẫn đến việc cầu nguyện trong tâm trí, mà nơi đó ta suy gẫm về chiều sâu những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sau hết, cầu nguyện trong tâm trí không là gì khác ngoài việc suy nghĩ - hay suy tưởng - về Chúa Kitô hay một số khía cạnh của Tin Mừng. Đây là mục đích của Kinh Mân Côi. Đây là cách làm biến đổi con tim và tâm trí. Và cũng quan trọng không kém, đây là điều đưa đến những quyết tâm đầy ý nghĩa và sự ăn năn chân thành.
Hãy nhớ rằng chúng ta không nói đến bất cứ điều gì bất thường hay những người thích gây giật gân giống như thị kiến hay xuất thần. Những cuộc thăm viếng của Chúa là những phương tiện thông thường mà ân sủng của Ngài truyền cảm hứng cho những ý tưởng nhất định. Ví dụ, khi chúng ta đang đọc một đoạn trong Tân Ước, và một số ý tưởng hay lời nói nảy sinh, đó có thể là Chúa đang nói: “Này! Hãy dừng lại! Hãy chú ý kỹ hơn điểm này. Có điều gì đó trong đoạn Kinh Thánh này mà bạn cần phải suy gẫm.” Trong thực tế, Chúa đã hướng dẫn Thánh Catarina về những gì phải làm nếu điều này diễn ra:
“Ngay khi con cảm nhận tinh thần của mình sẵn sàng cho cuộc thăm viếng của Ta, con hãy bỏ qua cầu nguyện bằng lời. Và rồi, sau khi cầu nguyện trong tâm trí, nếu con có thời gian, con có thể tiếp tục cầu nguyện bằng lời... Cho đến lúc quan tâm đến bất cứ lời cầu nguyện nào khác mà một người có thể khởi sự, con hãy bắt đầu cầu nguyện bằng lời như một cách để tiếp cận việc cầu nguyện trong tâm trí. Khi cảm nhận được tinh thần của mình đã sẵn sàng, con hãy bỏ việc cầu nguyện bằng lời với ý định này. Việc cầu nguyện được thực hiện như cách Ta đã nói với con sẽ đưa linh hồn đến sự hoàn thiện.”
Từ những cuộc thăm viếng trong lúc cầu nguyện trong tâm trí, điều rốt cuộc sẽ đến là một ước muốn thánh thiện, trong tất cả những gì chúng ta thể hiện, chính là để làm vui lòng Chúa. Không chỉ vậy, người đó mong ước sự hiện diện của Chúa tràn ngập trong tâm trí suốt cả ngày. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta “hãy cầu nguyện luôn!”. Cầu nguyện, đối với Thánh Tông Đồ, không phải là đọc kinh - mặc dù chắc chắn có điều này - nhưng đúng hơn là một niềm khao khát đầy lòng yêu mến để tìm kiếm ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Điều này cho thấy, theo cuốn “Đối thoại”, việc cầu nguyện liên lỉ là điều có thể: “Việc cầu nguyện hoàn hảo không tính bằng nhiều lời nhưng bằng niềm khao khát đầy lòng yêu mến, khi con người dâng lên Ta bằng tri thức của chính họ... Đây là lý do tại sao Ta nói với con rằng mong ước thánh thiện đó là có một ý muốn ngay lành và thánh thiện, là cầu nguyện liên lỉ.”
May mắn thay, chúng ta không phải đi đâu xa để cầu nguyện. Chúa nói với Thánh Catarina rằng ơn gọi cầu nguyện là khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống: “Nguyên tắc của một ý muốn thánh thiện có nghĩa là mỗi người phải làm việc vì sự cứu rỗi các linh hồn theo hoàn cảnh của người đó.” Vì hoàn cảnh của chúng ta là chương trình trong ý định Chúa dành cho chúng ta, và do đó, lời cầu nguyện làm vui lòng Ngài nhất là tạ ơn Ngài về hoàn cảnh của chúng ta, dù nó có thế nào đi nữa. Nhưng để nhận ra điểm đó - điểm để nhận ra rằng những tình huống diễn ra mỗi ngày là biểu hiện ý định Chúa dành cho chúng ta - điều quan trọng là chúng ta tạm gác lại các thói quen cầu nguyện vốn có một khi Chúa viếng thăm chúng ta.
---------------------
* Joe Tremblay viết cho Sky View, một blog Công giáo chuyên về thời sự và đề tài có định hướng. Hiện ông cộng tác với Viện Edmund Burke và là một khách mời thường xuyên của chương trình The Drew Mariani trên Đài Relevant. Joe đã kết hôn và có 5 người con.