Facebook NewsFeed
RSS EVERYTHING MEANING TO YOU
Cập nhật ngày: 12/07/2012 - 22:29:47
Hàn Quốc: Đấu tranh chống bất công đòi hỏi phải thận trọng

Lm. Patrick Cunningham từ Seoul, Hàn Quốc

Công khai phản đối chính quyền có thể bị ảnh hưởng, ngay cả việc xin gia hạn visa của thừa sai

Đơn xin gia hạn visa của tôi mới đây phải trả giá cao vì dính líu đến chính trị ở Hàn Quốc và những thách thức đáng kể về quyền tự do ngôn luận.

Thủ tục xin visa thực sự đã trở nên phức tạp hơn nhiều.

Trước đây, khi nộp đơn xin visa thừa sai D-6, tôi thường được chấp thuận gần như ngay lập tức. Nhưng lần này tôi được thông báo đơn của tôi "đang được xem xét".

Chuyện đó không có gì ngạc nhiên, do tôi có tham gia vận động phản đối việc xây dựng căn cứ hải quân mới trên đảo Jeju.

Tôi mất 8 ngày chờ được gọi lên.

Cuối cùng, Giám đốc Văn phòng Nhập cư Seoul cũng đã liên lạc với tôi và nói ông ta muốn "thảo luận vấn đề" càng sớm càng tốt.

Linh mục Vincent Lee, Phó Giám đốc Khu vực của Dòng Columban, bằng lòng đi với tôi đến văn phòng nhập cư.

Tại đây, trong bầu khí thân mật, viên giám đốc lấy ra một bộ hồ sơ có rất nhiều hình chụp tôi tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối, đám đông hỗn tạp và các cuộc tập trung khác trên đảo Jeju và ở Seoul.

Ông nhẹ nhàng gợi ý nếu tiếp tục các hoạt động như thế có thể khiến tôi bị trục xuất.

Tôi nổi giận khi ông giám đốc, ngoài đe doạ tôi ra, còn tỏ thái độ bề trên nhắc lại những việc "tốt" mà tôi đã làm ở Hàn Quốc gần 2 thập niên trong vai trò thừa sai và thật đáng tiếc tất cả những việc làm đó sắp bị lãng quên.

Tôi liền nhắc ông về những lý do tôi tham gia cuộc vận động đó. Tôi nói với ông ta chính hôm chúng tôi gặp nhau (25-6, ngày Cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ), chúng tôi tưởng niệm khoảng 3 triệu người thiệt mạng trong cuộc xung đột tàn bạo đó, và việc tôi phản đối căn cứ Jeju cốt là để ngăn chặn một cuộc chiến tương tự trong khu vực khi có người muốn quân sự hoá "Đảo Hoà Bình" Jeju.

Điều khiến tôi bực nhất không phải là thái độ đe doạ hay vẻ bề trên của ông ta, mà là mấy tấm ảnh của tôi trong hồ sơ, có nhiều ảnh người ta vẽ vòng tròn đỏ quanh mặt tôi.

Có lẽ giờ đây tôi đã trở thành một trong nhiều nạn nhân trong vụ chính quyền theo dõi bất hợp pháp những người chỉ trích chính quyền. Thực chất đó là điều đáng báo động, nhưng cũng thừa nhận rằng chính quyền lo ngại như thế nào nếu họ nghĩ họ cần dạy cho tôi một bài học.

Tháng 6 năm ngoái, các công tố viên thông báo kết quả 3 tháng điều tra chính quyền theo dõi bất hợp pháp công dân. Họ phát hiện 500 trường hợp nhưng chỉ đưa ra 3 cáo trạng.

Sau đó, viên giám đốc đưa cho tôi một tờ giấy trắng và bảo tôi viết một bản ghi nhớ hứa sẽ không tham gia các hoạt động liên quan đến cuộc vận động chống căn cứ Jeju nữa.

Tôi cố tình viết một câu mập mờ bằng tiếng Anh, nhưng ông yêu cầu tôi hứa tránh tất cả các "hoạt động chính trị" cụ thể hơn.

Tôi cố gắng kiềm chế cơn giận vì biết rằng tương lai của tôi trong nước này phụ thuộc vào cam kết theo yêu cầu này. Tôi viết xong bản ghi nhớ và viên giám đốc đưa cho tôi thẻ đăng ký, với thời gian gia hạn là 1 năm thay vì 2 năm như bình thường.

Khi rời khỏi văn phòng nhập cư, tôi liền nghĩ đến những người dân làng Gangjeong can đảm, các nhà hoạt động và tu sĩ dũng cảm đương đầu với những đe doạ, bắt nạt và bạo lực hằng ngày của nhà chức trách, tất cả đều trên danh nghĩa "an ninh quốc gia".

Các ý nghĩ than vãn biến mất khi tôi nghĩ đến những mối đe doạ lớn hơn nhiều mà những người khác phải đối mặt khi không ngừng phản đối chính quyền.

Tôi tin rằng cuộc vận động này đã thành công trong việc xây dựng tình liên đới quốc tế chống dự án Jeju, và hy vọng mang lại niềm tin cậy cho nhiều người và tổ chức liên quan, trong đó có Dòng Columban.

Trong khi chờ đợi, tôi sẽ đề ra cách nào đó sáng tạo hơn và thận trọng hơn để tiếp tục tham gia chiến dịch này. Ít ra thì điều đó vẫn chắc chắn và tôi sẽ tiếp tục tham gia.